9 tháng, sản xuất công nghiệp các tỉnh phía Bắc đạt 74% kế hoạch năm
Theo Báo cáo kết quả hoạt động ngành Công Thương, 9 tháng năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc ước đạt 1.919,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Giá trị SXCN bằng 74% so với kế hoạch năm 2016. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 82,5 nghìn tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ; Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.576,4 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 255,2 nghìn tỷ đồng, tăng 65,8% so với cùng kỳ; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.
Các địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp cao của khu vực là: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.
Trong 9 tháng năm 2016, nhiều mặt hàng chủ yếu của khu vực có sản lượng tăng, trong đó một số sản phẩm có mức tăng cao so với cùng kỳ như: sắt thép, xi măng, quặng, phân hỗn hợp… Một số sản phẩm công nghiệp giảm so với cùng kỳ như máy tính bảng và điện thoại, xe có động cơ, gỗ, bia …
Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2016, chương trình khuyến công quốc gia đã hỗ trợ tổ chức thành công nhiều hoạt động lớn cấp khu vực và quốc gia như bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực gắn với Hội chợ triển lãm; Chương trình Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân – Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ gắn với Triển lãm – Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ năm 2016 được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội cùng các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước; trao đổi kinh nghiệm trong phát triển hoạt động khuyến công; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của khu vực.
Về tình hình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, theo báo cáo của các Sở Công Thương, tổng số cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trong khu vực là 839 cụm với tổng diện tích quy hoạch là 22.899,3 ha. Hiện nay, đã có 409 CCN đã được thành lập với diện tích 11.364,4 ha. Trong số đó có 87 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, 133 CCN do Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư, 188 CCN còn lại do UBND cấp huyện (ban quản lý dự án của huyện), xã hoặc đơn vị sự nghiệp khác làm chủ đầu tư.
Về sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong CCN, hiện có 361 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 10.561,4 ha, thu hút được 7.693 dự án đầu tư sản xuất, tạo công ăn việc làm cho khoảng trên 335 ngàn lao động địa phương, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 62,9%; các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số CCN có công trình xử lý nước thải theo đúng quy định còn có mức độ (45 CCN).
Về tình hình xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển CCN, đến nay, hầu hết các địa phương trong khu vực đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN để phối hợp, phân công trách nhiệm giữa các cấp, ngành ở địa phương trong việc quản lý đối với các CCN trên địa bàn. Một số địa phương khác lồng ghép cơ chế hỗ trợ CCN trong các chính sách hỗ trợ chung của tỉnh./.
Theo Dangcongsan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()