9 tháng, lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt kế hoạch năm
Tính đến hết tháng 9/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, đạt 114,47% kế hoạch năm 2022 (kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động).
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2022 là 8.180 lao động (2.687 lao động nữ), gấp hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 9 năm 2021 là 776 lao động, trong đó 18 lao động nữ).
Số lao động đi làm việc gồm các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc) 5.027 lao động (1.485 lao động nữ), Nhật Bản 2.775 lao động (1.164 lao động nữ), Trung Quốc 168 lao động nam, Singapore 49 lao động nam, Hungary 46 lao động (37 lao động nữ), Hàn Quốc và Liên bang Nga mỗi nước 21 lao động nam và các thị trường khác.
Như vậy, trong 9 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động (37.299 lao động nữ), đạt 114,47% kế hoạch năm 2022 (dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động) và bằng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái (9 tháng năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 42.818 lao động).
Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động trong 9 tháng qua với 51.859 người (23.421 lao động nữ), theo sau là Đài Loan (Trung Quốc) với 44.584 lao động (13.329 lao động nữ), Hàn Quốc với 1.668 lao động (43 lao động nữ), Singapore 1.498 lao động (2 lao động nữ).
Riêng với thị trường Nhật Bản, Bộ LĐTB&XH đánh giá, đây là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc.
Liên quan đến công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, mới đây tại phiên họp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022 đã dần hồi phục trở lại, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký Bản thỏa thuận hợp tác đưa lao động đi làm việc với một số nước khu vực châu Âu như Đức, Romania, Czech, Bulgaria…
Với các quốc gia khác nhau thì bản thỏa thuận hợp tác sẽ khác nhau. Có quốc gia, hai bên sẽ ký hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng có quốc gia bản hợp tác chỉ ký 1 đến 2 lĩnh vực như Đức về điều dưỡng viên và ngành có tính chất công nghệ cao như ô tô.
Trong thời gian tới, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ theo hướng có chọn lọc hơn.
Bộ LĐTB&XH sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động.
Ý kiến ()