80% học viên các trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp
Đây là con số được đưa ra tại Hội nghị “Đánh giá công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức sáng ngày 02/4/2018.
Tỉ lệ có việc làm cao
Tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2017 của cả nước là 2.204.400 người, đạt 100,2% so với kế hoạch năm 2017, trong đó tuyển sinh trình độ trung cấp (TC) và cao đẳng (CĐ) khoảng 540.400 người, chiếm 24,5% so với tổng số tuyển sinh trong GDNN năm 2017 và đạt 100,1% so với kế hoạch. Những ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao như: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Hàn, Quản trị mạng, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật sửa chữa, Lắp ráp máy tính…
Bên cạnh những ngành nghề tuyển sinh đạt kết quả cao có những ngành nghề khó tuyển sinh, đặc biệt là những ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: Khoan nổ, mìn; Công nghệ mạ; Chế tạo khuân mẫu.
Về công tác tuyển sinh tại 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư thành trường chất lượng cao, tổng số tuyển sinh là 158.536 người (tăng 5% so với năm 2016).
Theo báo cáo của 63 sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2017 có tổng số 1.983.960 người tốt nghiệp.
Để giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đã thực hiện nhiều nội dung. Cụ thể, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thời gian qua đã tăng cường hợp tác với các nước để đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động, ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.
Ở cấp cơ sở, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động thực hiện gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động, với các doanh nghiệp như là điều kiện để tồn tại và phát triển cho chính mình với nhiều mô hình hợp tác như: Ký kết giữa doanh nghiệp – nhà trường trong việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp; mời doanh nghiệp tham dự để ký kết hợp đồng tuyển dụng trực tiếp với HSSV tốt nghiệp tại các lễ bế giảng; tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho HSSV tốt nghiệp…
Với những nỗ lực trên, theo Tổng cục GDNN, tính trung bình, năm 2017 tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 80%, trong đó tỷ lệ sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 79%, TC đạt 82%.
Đặc biệt, các ngành, nghề thuộc khối kỹ thuật – công nghệ có số lượng HSSV có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao như nghề hàn (92%), nghề điện công nghiệp (88%), nghề cắt gọt kim loại (86%), nghề công nghệ ô tô (82%), nghề kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (80%)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục GDNN cho biết vẫn còn nhiều khó khăn như: tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học GDNN thấp (8-10%). Chỉ tiêu tuyển sinh đại học lớn, xu thế của giáo dục đại học là bỏ điểm sàn trong thi đầu vào nên tiếp tục thu hút được số lượng người học sau tốt nghiệp THPT vào đại học. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, một bộ phận xã hội chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về quyền và trách nhiệm xã hội của mình trong việc tham gia GDNN, chưa phối hợp với cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo, đánh giá và tuyển dụng lao động.
Gắn kết nhà trường với doanh nghiệp
GDNN được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TBXH trong năm 2018.
Năm 2018, Bộ LĐ – TBXH đặt ra mục tiêu: Tuyển sinh GDNN đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ CĐ và TC là 540 nghìn HSSV; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ đào tạo nghề cho 800 nghìn lao động nông thôn, lao động nữ và các đối tượng chính sách khác theo chính sách của Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, trong đó có khoảng 20 nghìn người khuyết tật).
Trong năm 2018, tốt nghiệp GDNN đạt 2,1 triệu người, trong đó CĐ đạt 224 nghìn người; TC đạt 216 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác đạt 1,66 triệu người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 23% đến 25%.
Để đạt được mục tiêu tuyển sinh GDNN đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp cần được triển khai thực như: Hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về GDNN, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; Tổ chức tốt công tác tuyển sinh; Gắn kết tuyển sinh, tổ chức đào tạo với thị trường lao động, việc làm trong đó tiếp tục triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp qua chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và VCCI, hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp…
Đặc biệt, ngay tại Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hiệp hội bán lẻ Việt Nam; Tập đoàn Mường Thanh; Hiệp hội du lịch Việt Nam.
Ký kết hợp tác giữa một số cơ sở GDNN với một số doanh nghiệp về đặt hàng tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tuyển dụng sau tốt nghiệp như: Cao đẳng cơ điện xây dựng Bắc Ninh với Công ty TNHH Cơ điện lạnh LTV Bắc Ninh; Cao đẳng công nghệ Hà Tĩnh với Công ty TNHH SIGMA Việt Nam; Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I và Công ty cổ phần cầu 3 Thăng Long; Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội với Công ty cổ phần tự động hóa Tân Phát; Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Hàn Bắc Giang với Công ty TNHH sản xuất SANWA Việt Nam; Cao đẳng nghề Việt Nam Hàn Quốc Nghệ An với Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Đông Anh với Công ty FPT./.
Ý kiến ()