8 tỉnh Tây Bắc hợp tác phát triển du lịch
Từ năm 2008, các tỉnh nói trên đã ký kết biên bản hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực.
Qua 11 năm triển khai, du lịch 8 tỉnh nói trên đã có những bước chuyển biến khả quan, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Các chỉ tiêu về khách du lịch, thu nhập du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, mức đóng góp trong cơ cấu kinh tế… trong khu vực năm sau đều cao hơn năm trước.
Trong năm 2020, nội dung hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, bao gồm: Xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch (trong đó tổ chức đón đoàn Famtrip kết nối các tuyến, điểm du lịch mới vùng Tây Bắc theo hành trình Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Lào Cai-Hà Giang-Yên Bái-Phú Thọ-Hà Nội); tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch, giới thiệu quảng bá và đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Tổ chức đoàn học tập mô hình phát triển du lịch tại một số tỉnh trong khu vực); tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch (trong đó tham gia một số hội chợ, liên hoan và các sự kiện du lịch, xúc tiến mở rộng thị trường du lịch như: Hội chợ Du lịch quốc tế VITM năm 2020 tại Hà Nội, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh; Liên hoan Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu lần thứ II năm 2020…); hợp tác phát triển nhân lực du lịch địa phương, với việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam (VTOS).
Trong những năm qua, hoạt động trao đổi kinh nghiệm tổ chức, quản lý và phát triển du lịch và sự hợp tác chặt chẽ giữa 8 tỉnh được đánh giá cao, qua đó, góp phần liên kết phát triển du lịch, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của khu vực, dựa trên trên cơ sở tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, nét đặc trưng về khí hậu và sự phong phú về văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong vùng.
Các tỉnh đã tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, xây dựng Bộ thương hiệu du lịch chung của khu vực. Đây là bộ thương hiệu du lịch liên vùng thống nhất đầu tiên tại Việt Nam, gồm logo (biểu trưng), slogan (khẩu hiệu) và ấn phẩm cẩm nang hướng dẫn du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Mặc dù, du lịch 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của khu vực, cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập (đặc biệt là các vùng giáp ranh giữa các tỉnh); thiếu cơ sở vật chất chuyên ngành phục vụ du lịch như khu vui chơi giải trí, mua sắm; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu, phần lớn chưa qua đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ.
Để thúc đẩy du lịch, thời gian tới các tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của khu vực; mở rộng thị trường khách du lịch và xây dựng chiến lược xúc tiến riêng cho từng sản phẩm, tour, tuyến; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch; tăng cường hoạt động đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo tiêu chuẩn cho các tỉnh trong khu vực.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()