8 tháng 2018, kinh tế tiếp tục khởi sắc
Như dự báo của các chuyên gia, về cơ bản mục tiêu kinh tế 2018 có thể đạt được. Diễn biến thực tế của kinh tế 8 tháng 2018 qua số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì.
Cụ thể, sản xuất nông nghiệp, tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo cấy được 1.567,5 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.103 nghìn ha, bằng 97,8%; các địa phương phía Nam đạt 464,5 nghìn ha, bằng 102,6%.
Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Chăn nuôi lợn khởi sắc hơn với các hoạt động tái đàn, quay trở lại nuôi trên khắp cả nước do giá thịt lợn tiếp tục giữ ở mức cao, dao động 52.000-55.000đ/kg lợn hơi.
Về lâm nghiệp, trong tháng 8, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 22,8 nghìn ha. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 138,6 nghìn ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại trong 8 tháng năm nay là 909,7 ha, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Về thủy sản, trong tháng 8, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 683,6 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2017. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 360,8 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ 2017. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2018 ước tính đạt 322,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2017. Đáng chú ý là, thời tiết trong tháng tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, ước tính sản lượng khai thác biển đạt 303,5 nghìn tấn, tăng 5,2%.Tính chung 8 tháng năm 2018, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.929,1 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể thấy rõ điểm sáng trong sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng tiếp tục tích cực. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 13,4% so với cùng kỳ 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ 2017, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 0,3%.
Một điểm sáng tích cực của nền kinh tế 8 tháng qua không thể không nhắc đến là tình hình đăng ký doanh nghiệp. Mặc dù, trong tháng 8, cả nước có 11.655 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 107,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước, nhưng tính chung 8 tháng, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Bên cạnh đó, còn có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm nay lên gần 108,4 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng năm 2018 là 734,7 nghìn người, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2018 thu hút 1.918 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.481,6 triệu USD, tăng 18,1% về số dự án và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Trong 8 tháng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5.766 triệu USD, chiếm 42,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.007 triệu USD, chiếm 37,1%; các ngành còn lại đạt 2.708,6 triệu USD, chiếm 20,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm nay đạt 9.301,9 triệu USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.496,7 triệu USD, chiếm 28,8%; các ngành còn lại đạt 4.267,8 triệu USD, chiếm 22,4%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1.424,7 triệu USD, chiếm 27% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 1.208,5 triệu USD, chiếm 22,9%; các ngành còn lại đạt 2.649,1 triệu USD, chiếm 50,1%.
Cả nước có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 8 tháng đầu năm, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với 5.101,8 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5.848,4 triệu USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 93 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 271,5 triệu USD; 22 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 42 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng năm 2018 đạt 313,5 triệu USD. Trong 8 tháng có 29 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư; I-ta-li-a 37,8 triệu USD, chiếm 12%; Xlô-va-ki-a 35,9 triệu USD, chiếm 11,5%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 7/2018 đạt 20.320 triệu USD, cao hơn 820 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2018 ước tính đạt 20,90 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng 7/2018. Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 8 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,2 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ 2017. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 7/2018 đạt 20.955 triệu USD, cao hơn 1.155 triệu USD so với số ước tính.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước tính đạt 21,0 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,0 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,0 tỷ USD, tăng 0,3%. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017. Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 8 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 41,4 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 7 nhập siêu 635 triệu USD. Tháng 8 ước tính nhập siêu 100 triệu USD. Tính chung 8 tháng cán cân thương mại hàng hóa vẫn duy trì xuất siêu với 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,5 tỷ USD.
Việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt là quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử cùng với thí điểm mô hình “chính quyền số “ở một số địa phương (Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…) trong thời gian qua cũng được xem là động lực để phát triển kinh tế và duy trì đà tăng trưởng. Với nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong xây dựng và củng cố “Chính phủ kiến tạo”, môi trường cạnh tranh của nền kinh tế nước ta cũng được cải thiện đáng kể, đóng góp khá hiệu quả vào tốc độ phát triển nền kinh tế. Tin rằng, với các số liệu lạc quan từ Tổng cục Thống kê và những chuyển biến tích cực của Chính phủ trong điều hành, quản lý 8 tháng qua, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ phát triển kinh tế của cả năm sẽ đạt kết quả như mong đợi./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()