8 câu hỏi về Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Ai là người đưa ra ý tưởng về Ngày Quốc tế phụ nữ? Tại những quốc gia nào Ngày Quốc tế phụ nữ được xem là một ngày lễ chính thức? Chủ đề Ngày Quốc tế phụ nữ năm nay (2023) là gì? Mời bạn đọc tìm đáp án trong những câu hỏi và trả lời dưới đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.unwomen.org) |
1. Ngày Quốc tế phụ nữ là gì?
Ngày Quốc tế Phụ nữ là một ngày toàn cầu tôn vinh những thành tựu xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị của phụ nữ. Ngày này cũng đánh dấu lời kêu gọi hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.
Được tổ chức hằng năm vào ngày 8/3, Ngày Quốc tế phụ nữ là một trong những ngày quan trọng nhất trong năm để: tôn vinh những thành tựu của phụ nữ, giáo dục và nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng của phụ nữ, kêu gọi thay đổi tích cực thúc đẩy tiến bộ phụ nữ, vận động để tăng cường bình đẳng giới, gây quỹ cho các tổ chức từ thiện tập trung vào phụ nữ,…
2. Ai là người đưa ra ý tưởng về Ngày Quốc tế phụ nữ?
Năm 1910, Đại hội quốc tế về lao động nữ lần thứ hai được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch). Một phụ nữ tên là Clara Zetkin (Lãnh đạo “Văn phòng Phụ nữ” của Đảng Dân chủ Xã hội ở Đức) đã đưa ra ý tưởng về Ngày Quốc tế Phụ nữ. Bà đề xuất rằng hàng năm ở mọi quốc gia nên tổ chức một lễ kỷ niệm vào cùng một ngày – Ngày Phụ nữ – để thúc đẩy các yêu cầu của họ. Đại hội có sự tham gia của hơn 100 phụ nữ, đến từ 17 quốc gia, đại diện cho các đoàn thể, các đảng xã hội, câu lạc bộ lao động nữ – và bao gồm cả ba phụ nữ đầu tiên được bầu vào quốc hội Phần Lan – đã nhất trí tán thành đề xuất của bà Zetkin.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.unwomen.org) |
3. Ngày Quốc tế phụ nữ đầu tiên được tổ chức ở đâu?
Theo quyết định được thống nhất tại Copenhagen, Đan Mạch, vào năm 1911, Ngày Quốc tế phụ nữ được vinh danh lần đầu tiên tại Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ vào ngày 19/3. Hơn một triệu phụ nữ và nam giới đã tham dự các cuộc mít-tinh vận động cho quyền của phụ nữ được làm việc, bầu cử, được đào tạo, giữ chức vụ công và chấm dứt phân biệt đối xử.
4. Ngày Quốc tế phụ nữ được Liên hợp quốc chính thức công nhận khi nào?
Ngày Quốc tế phụ nữ được Liên hợp quốc tổ chức tôn vinh lần đầu tiên vào năm 1975. Sau đó, vào tháng 12/1977, Đại hội đồng đã thông qua một nghị quyết tuyên bố Ngày Liên hợp quốc vì Quyền của Phụ nữ và Hòa bình quốc tế sẽ được các quốc gia thành viên cử hành vào bất kỳ ngày nào trong năm phù hợp với truyền thống lịch sử và dân tộc.
5. Những màu sắc nào biểu trưng cho Ngày Quốc tế phụ nữ?
Tím, xanh lá cây và trắng là màu của Ngày Quốc tế phụ nữ. Màu tím biểu thị công lý và nhân phẩm và trung thành với chính nghĩa. Màu xanh tượng trưng cho hy vọng. Màu trắng đại diện cho sự tinh khiết, mặc dù đây còn là một khái niệm gây tranh cãi. Các màu sắc bắt nguồn từ Liên đoàn Chính trị và Xã hội của phụ nữ (WSPU) ở Anh vào năm 1908.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.unwomen.org) |
6. Ngày Quốc tế phụ nữ có phải là một ngày lễ không?
Ngày Quốc tế phụ nữ là một ngày lễ chính thức ở nhiều quốc gia bao gồm: Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Georgia, Guinea-Bissau, Eritrea, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Moldova, Mông Cổ, Montenegro, Nepal, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Uganda, Ukraine, Uzbekistan, Việt Nam và Zambia,… Tại Đức, Quốc hội nước này đã thông qua dự luật vào năm 2019 để công nhận Ngày Quốc tế phụ nữ là một ngày nghỉ lễ.
Theo truyền thống, trong Ngày Quốc tế phụ nữ, đàn ông tôn vinh mẹ, vợ, bạn gái, đồng nghiệp,… của họ bằng hoa và những món quà nhỏ. Ở một số quốc gia, Ngày Quốc tế phụ nữ tương đương với Ngày của Mẹ, là dịp mà trẻ em tặng những món quà nhỏ cho mẹ và bà của mình.
7. Chủ đề năm đầu tiên được Liên hợp quốc công bố là gì? Khi nào?
Năm 1996, Liên hợp quốc đã công bố chủ đề hằng năm đầu tiên của Ngày Quốc tế phụ nữ là “Kỷ niệm quá khứ, Lập kế hoạch cho tương lai” (“Celebrating the past, Planning for the Future”).
8. Chủ đề Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2023 là gì?
Chủ đề của Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2023 là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” (“DigitALL: Innovation and Technology for Gender Equality”).
Ngày 8/3 năm nay, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các nhà hoạt động và khu vực tư nhân cùng nỗ lực để làm cho thế giới kỹ thuật số an toàn hơn, toàn diện hơn và công bằng hơn. Đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta có cơ hội tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn – không chỉ cho phụ nữ và trẻ em gái, mà còn cho toàn nhân loại và mọi sự sống trên trái đất.
Ý kiến ()