76 năm Quốc khánh: Lấy dân làm gốc và sức mạnh của nhân dân
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045, tư tưởng “lấy dân làm gốc,” tập hợp và phát huy sức mạnh nhân dân đang tiếp tục được Đảng quán triệt, vận dụng, nâng lên tầm cao mới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Hôm nay – ngày 2/9, người Việt Nam tự hào kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh, nhớ về mùa Thu lịch sử năm 1945.
Năm tháng ấy, cuộc cách mạng vĩ đại do Đảng khởi xướng, “lấy dân làm gốc” đã tạo nên sức mạnh thác đổ, rửa sạch tủi nhục hơn 80 năm cả dân tộc sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cuốn phăng phátxít Nhật ra khỏi đất nước, nhấn chìm chế độ phong kiến và khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sức nước trào dâng ấy cũng băng qua những gập ghềnh, gian nan nhất trong lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ đó, non sông thống nhất, sạch bóng thù, biên cương hòa bình, đất nước thực hiện mục tiêu ấm no, cường thịnh.
Thế nên ngày trọng đại này, lại càng muốn nói đến tư tưởng “lấy dân làm gốc” và sức mạnh nhân dân!
Từ bao đời nay, “lấy dân làm gốc” luôn là kim chỉ nam xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hiểu rõ vì dân, có dân sẽ có tất cả, còn ngược lại sẽ mất tất cả, nên 600 năm trước Nguyễn Trãi đúc kết: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân.”
Trong bài thơ Quan Hải, Nguyễn Trãi đã suy tư về lẽ hưng vong: “Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước.”
Sức mạnh lòng dân cũng trọn vẹn các tầng ý nghĩa ở sử sách nước nhà. Ấy là khi giặc Minh chuẩn bị xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly họp bàn tìm kế chống giặc. Người con cả, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói rằng: “Không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.” Sự thật quả đã diễn ra sau đó!
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, “lấy dân làm gốc” dường như không nằm trong miền nhận thức về đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Sự đứt gãy tư tưởng này đã kéo theo hơn 80 năm vong quốc, cả dân tộc phải sống dưới xiềng xích của thực dân Pháp.
Chỉ tới khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau bao năm bôn ba xứ người, tiếp cận Luận cương của V.I. Lenin, mới tìm thấy ánh sáng đưa dân tộc thoát khỏi đêm trường nô lệ.
Rồi Người đã sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Chính Đảng này phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Hệ thống chính trị do Đảng dẫn đường hứa hẹn quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân, phục vụ nhân dân. Còn lý tưởng của những người cộng sản Việt Nam là hướng tới lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Điều ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc; “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.”
Thế nên điều tất yếu khi gặp một chính đảng Đảng “vì dân” là những người con nước Việt ưu tú đã quy tụ vào hệ thống. Rồi cả dân tộc tự nguyện tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa vào mùa thu năm 1945 do Đảng khởi xướng để khai sinh ra nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau ngày lập nước, niềm tin của nhân dân vào Đảng tiếp tục đi đến sự trọn vẹn và lớn lao. Đó chính là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nối sau là các cuộc chiến đấu bảo vệ vững chắc cương vực của Tổ quốc.
Sự trọn vẹn, lớn lao đó cũng thể hiện chân lý rất đơn giản: Khi chung sức, đồng lòng thì một dân tộc nhỏ bé cũng trở thành vĩ đại.
Đó là những trang sử hào hùng của dân tộc. Ngày hôm nay, “lấy dân làm gốc” và khơi dậy sức mạnh nhân dân có còn được cả hệ thống chính trị nhất quán, đề cao? Câu trả lời là có!
Sau luồng gió Đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi trì trệ để vào đà phát triển, đời sống của người dân ngày một ấm no, thế và lực của quốc gia được tăng cường. Những năm gần đây, đang có luồng gió mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, quan liêu. Luồng gió này do Đảng khởi lên bởi có căn nguyên.
Đã có lúc, có nơi, “vì dân” không còn là lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thay vào đó là sự xa lánh nhân dân, “kiêu ngạo cộng sản,” duy ý chí, quan liêu, hách dịch, độc đoán, lạm quyền dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về đạo đức, lối sống. Dù vẫn tin yêu Đảng, nghe theo Đảng, làm theo Đảng, nhưng tâm lý hoài nghi, xói mòn niềm tin vào Đảng trong nhân dân là nguy cơ hiện hữu, mà điều này đe dọa tới sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Để bước tiếp trên con đường mà Bác Hồ, Đảng và dân tộc đã lựa chọn thì việc củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng mang ý nghĩa sống còn. Muốn giữ được lòng dân thì không được phép hoa ngôn, giáo điều. Thế nên, Đảng, Nhà nước đang có rất nhiều hành động quyết liệt. Kỷ luật của Đảng đang ngày càng nghiêm minh, không có bất kỳ “vùng cấm” nào. “Lò lửa” chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhóm đang nóng rực với niềm tin “làm đến cùng, không bỏ giữa chừng.”
Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh có thể nhìn thấy trong các đường đi, nước bước của Đảng, Nhà nước.
Mới đây, trong bài viết “ Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam“, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rất kỹ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.” Đây có thể hiểu là động thái huy động nguồn nội sinh quan trọng cho khát vọng một Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Những ngày lịch sử này, quan điểm “vì dân” thể hiện rõ nhất, nhân văn nhất trong chiến lược của Đảng, Nhà nước về phòng, chống đại dịch COVID-19. Đó là trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế nhưng bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Quan điểm đó thể hiện rất sinh động qua các chính sách hỗ trợ dịch vụ thiết yếu, giảm giá điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ viễn thông; là các gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch; là việc Chính phủ giao Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền hơn 130.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 năm 2021.
Các chiến sỹ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân Khu 7) cùng với Ban Chỉ huy quân sự phường 8, quận 10 trao tặng lương thực, thực phẩm tận nhà cho người lao động nghèo hẻm 139 Nguyễn Tiểu La, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Cũng từ những biến thiên lịch sử, “lòng dân” hay sức mạnh nhân dân đang được Đảng, Nhà nước đề cao trong tổng hợp sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã vạch rõ chiến lược: “Xây dựng “thế trận lòng dân,” thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.”
So với các kỳ đại hội trước, “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đó là sự khẳng định, bổ sung, thể hiện sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hiểu theo một cách khác, đây là sự vận dụng sáng tạo của tư tưởng “lấy dân làm gốc” để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bởi “thế trận lòng dân” chính là tinh thần yêu nước, tình đoàn kết gắn bó, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc được hội tụ, kết tinh, nhân lên tạo thành nền tảng chính trị vững chắc, sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, sẵn sàng được huy động nhằm thực hiện các mục tiêu trong từng giai đoạn của đất nước.
Đã 76 năm kể từ ngày 2 tháng 9 năm 1945. Đất nước đang trên chặng đường phát triển mới với những vận hội song hành thách thức mới.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Việt Nam hùng cường vào năm 2045, tư tưởng “lấy dân làm gốc,” tập hợp và phát huy sức mạnh nhân dân đang tiếp tục được Đảng ta quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới. Lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân được Đảng, Nhà nước đặt lên trên hết, trước hết, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”./.
Ý kiến ()