75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên: Những dấu ấn của Đoàn ĐBQH Lạng Sơn
(LSO) – 75 năm qua, từ ngày tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển khó khăn, gian khổ nhưng rất hào hùng. Trong dòng chảy chung ấy, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp những kết quả tích cực làm nên thành công cho Quốc hội Việt Nam.
Ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, toàn dân ta đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới bằng phương thức bầu cử dân chủ, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Sự kiện trọng đại này đã trở thành một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc. Bởi vì nước ta không những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan Nhà nước có đầy đủ cơ sở và tư cách pháp lý đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Các ĐBQH bấm nút thông qua dự án luật tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV
Trải qua 14 khoá hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã nêu cao truyền thống đoàn kết, dân chủ và cách mạng, không ngừng hoàn thiện về tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hoàn thành trọng trách mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó.
Cùng với sự lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn với cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu ngày càng nâng cao đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm người đại biểu của Nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia vào các chương trình nghị sự của Quốc hội, đề cao trách nhiệm trong hoạt động lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của cử tri Lạng Sơn để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trải qua các nhiệm kỳ của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã có 70 đại biểu tham gia Quốc hội, trong đó có 44 đại biểu là người Lạng Sơn. Trong đó có những đại biểu đã gắn bó nhiều khoá với Quốc hội, nhiều đại biểu giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, duy trì và thực hiện nghiêm chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Quốc hội và chế độ làm việc theo Quy chế hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH; thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện; thường xuyên tăng cường mối quan hệ công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh với HĐND, UBND, ủy ban MTTQ các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và các cơ quan của Quốc hội. Trong suốt 14 nhiệm kỳ hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người đại diện cao nhất của cử tri ở địa phương.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tặng 6 bộ máy vi tính cho huyện Văn Lãng tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV với cụm cử tri Bắc Việt – Bắc Hùng – Hoàng Việt – thị trấn Na Sầm tại xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng
Thực hiện công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật, tăng cường các hội nghị, tiếp xúc cử tri chuyên đề nhằm tranh thủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các sở, ngành chuyên môn tham gia vào các dự án luật. Trong 5 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức trên 20 hội nghị lấy ý kiến và gửi văn bản tới các cơ quan liên quan góp ý vào hơn 70 dự án luật.
Trong hoạt động giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 9 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội tại tỉnh; tổ chức thực hiện giám sát 15 chuyên đề tập trung vào các vấn đề cấp thiết được cử tri cả nước và địa phương quan tâm; khảo sát 5 chuyên đề đối với những vấn đề phức tạp do Nhân dân phản ánh, cử tri nêu hoặc những vấn đề phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia tích cực các hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản một cách thẳng thắn, đúng trọng tâm, trọng điểm. Kết quả nhiệm kỳ 2016 -2021, đã có 32 ý kiến chất vấn trực tiếp và chất vấn bằng văn bản đối với các bộ trưởng, thành viên Chính phủ về vấn đề Nhân dân và cử tri quan tâm.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức hơn 90 hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; 18 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với hơn 9.000 lượt cử tri tham dự và gần 1.000 lượt cử tri phát biểu ý kiến.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, mỗi ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục nỗ lực cống hiến, hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ là cơ quan, người đại biểu đại diện cao nhất của cử tri ở địa phương.
“Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh có 6 đại biểu, trong đó, có 4 đại biểu đang công tác tại các cơ quan Trung ương và 2 đại biểu đang công tác tại địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong suốt quá trình công tác, mỗi đại biểu trong đoàn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đại diện cho Nhân dân cả nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn ĐBQH”. Ông Dương Xuân Hoà, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn |
THANH HUYỀN
Ý kiến ()