70 nước và vùng lãnh thổ xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đến nay hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo xuất hiện biến thể mới này.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình dịch tễ công bố ngày 27/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, có tốc độ lây nhiễm cao hơn và có nguy cơ khiến các loại vaccine hay kháng thể trở nên kém hiệu quả hơn, đã lan sang hàng chục nước trên thế giới.
Hiện biến thể đầu tiên phát hiện tại Anh đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, biến thể phát hiện tại Nam Phi hiện đã ghi nhận tại 31 nước và biến thể mới nhất phát hiện tại Brazil cũng đã xuất hiện tại 8 nước.
Theo báo cáo của WHO, theo quy luật, tất cả các virus đều biến thể để thích nghi với môi trường và các nhà khoa học hiện vẫn theo dõi nhiều biến thể của SARS-CoV-2. Cho đến nay, đa số các biến thể đều không gây bệnh nặng, nhưng WHO vẫn kêu gọi các quốc gia nỗ lực trong công tác phát hiện các biến thể, được cho là có thể làm thay đổi đáng kể độc lực và khả năng lây nhiễm.
Thống kê mới nhất của WHO cho biết trong tuần qua, thế giới đã ghi nhận thêm 4,1 triệu ca nhiễm mới và khoảng 96.000 ca tử vong. Tính tổng thể, số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm 15% so với tuần trước và là tuần thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới giảm sau khi ghi nhận mức đỉnh điểm trong tuần đầu tiên của tháng Một này.
Châu Âu là khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới giảm nhiều nhất, với 20%, tiếp theo là châu Phi giảm 16% và châu Mỹ giảm 14%. Tuy vậy, cho đến nay, châu Phi và châu Âu vẫn là những khu vực ảnh hưởng đại dịch nặng nề nhất khi chiếm tới 86% tổng số ca mắc trên toàn cầu.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Anh, quốc gia phát hiện ra biến thể đầu tiên của virus SARS-CoV-2, giới chức xứ England cho biết số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm, cho thấy hiệu quả của đợt phong tỏa mới. Tuy nhiên, tốc độ giảm hiện nay chưa đủ để giảm tỷ lệ lây nhiễm vẫn được coi là rất cao so với các nước và khu vực khác.
Ngày 27/1, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa tại England tới ít nhất là ngày 8/3 tới, một quyết định dập tắt hy vọng về khả năng các trường học có thể mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng Hai tới.
Theo kết quả nghiên cứu thực hiện từ ngày 6-22/1 vừa qua, tỷ lệ lây nhiễm trên toàn nước Anh được ghi nhận là 1,57%, hay 157/10.000 người, trong đó thủ đô London có tỷ lệ nhiễm cao nhất, với 2,83% (tương đương 283/10.000 dân).
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo những số liệu này là “lời nhắc nhở về sự cần thiết phải cảnh giác.”
Cho đến nay, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng cộng 101.887 ca tử vong, trong tổng số 3.715.054 ca nhiễm, đứng thứ năm thế giới về số ca nhiễm và đứng đầu châu Âu về số ca tử vong.
Trong khi đó, tại Pháp, số ca nhiễm mới theo ngày tăng trở lại khi ghi nhận tới gần 27.000 ca trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất trong một ngày kể từ giữa tháng 11/2020, thời điểm Pháp đang áp đặt đợt phong tỏa thứ hai. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, với 26.916 ca nhiễm mới, tăng gần 5.000 ca so với một ngày trước đó, tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp hiện đã lên tới hơn 3,1 triệu ca.
Đây là lần thứ ba kể từ cuối tháng 12 năm ngoái, Pháp ghi nhận hơn 26.000 ca/ngày và là mức cao nhất kể từ thời điểm ghi nhận 28.000 ca trong ngày 18/11/2020. Trước đó, vào giai đoạn đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch thứ hai, Pháp đã ghi nhận con số kỷ lục 86.852 ca mắc mới trong ngày 7/11/2020./.
Ý kiến ()