70 năm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
LSO-Trải qua hơn nửa thế kỷ, Ngày thương binh liệt sỹ hằng năm được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tổ chức trang trọng nhằm tưởng niệm những liệt sỹ đã hy sinh thân mình, những thương binh mất mát máu xương qua các cuộc chiến. Việc làm đó thể hiện sự hiếu nghĩa bác ái, lòng quý trọng, biết ơn những thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Ngày thương binh liệt sỹ đã đi vào lịch sử đất nước ta là ngày lễ lớn, hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (hàng đầu bên phải) trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho các gia đình liệt sỹ – Ảnh: MAI HOA |
Cùng với cả nước, 70 năm qua, cấp ủy, chính quyền cùng các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát động nhân dân thực hiện tốt việc “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam. Điển hình như các phong trào: xây dựng nhà tình nghĩa cho các thương binh, gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 9,4 tỷ đồng. Quỹ đã sử dụng trên 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới 131 căn nhà, sửa chữa được 87 nhà cũ và tặng 203 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách và xây được 4 nhà bia tưởng niệm liệt sỹ. Cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Ngoài ra, các cấp chính quyền còn kịp thời chuyển quà tặng của Chủ tịch nước cho một số gia đình chính sách nhân dịp tết Nguyên đán hằng năm. Nhiều ngành còn nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sỹ già yếu, neo đơn, đỡ đầu con liệt sỹ; thực hiện tốt các chính sách xã hội ưu tiên đối với con liệt sỹ, thương bệnh binh… Phong trào xã hội hóa các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm đẩy mạnh, trị giá các hoạt động hỗ trợ đạt trên 4,4 tỷ đồng. Đây là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm động viên kịp thời các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để cho thương, bệnh binh tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho xã hội như lời Bác Hồ đã dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, xét duyệt chế độ cho người hoạt động kháng chiến, người hưởng chính sách và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của Nhà nước.
Những việc làm đó thể hiện tính ưu việt và bản chất đối với công tác thương binh liệt sỹ và chính sách với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của Nhà nước. Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc. Qua đó, một lần nữa tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc. Từ đó, khuyến khích nhiều gia đình phát huy tinh thần “Gia đình cách mạng gương mẫu”, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước; tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn.
MAI TÙNG
Ý kiến ()