70 năm gửi gắm niềm tin
LSO-Ở nơi địa đầu Tổ quốc, xuyên suốt lịch sử 70 năm kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, nhân dân Xứ Lạng vẫn luôn vững lòng vào những người đại biểu mà mình đã gửi gắm niềm tin, và tất cả đều đang hướng về một ngày hội lớn- ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021.
Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn xem danh sách cử tri và danh sách các ứng cử viên |
Đã 70 năm trôi qua, bước sang tuổi 83, nhà báo lão thành Vũ Bách vẫn nhớ như in cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946, khi ấy ông trong đội thiếu nhi tuyên truyền.
Ông kể: thanh, thiếu niên tập trung thành đội tuyên truyền tới từng gia đình, từng thôn, từng xóm. Điều kiện lúc bấy giờ còn nhiều thiếu thốn, nhưng không khí cho bầu cử náo nức lắm, thậm chí tuyên truyền còn có cả văn công, văn nghệ.
Nhân dân ai cũng hào hứng, đang từ thân phận nô lệ, nay vươn lên trở thành những người làm chủ, tự tay cầm lá phiếu để chọn ra những người ưu tú nhất vào Quốc hội. Những mong mỏi, kỳ vọng của nhân dân đã được đáp ứng, Quốc hội thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946.
Trong điều kiện đấu tranh cách mạng, đất nước bị chia cắt, chưa thể tổ chức được một cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khoá mới, nên nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khoá I kéo dài từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960. Sau năm 1960, Quốc hội các khóa II, III, IV và V đã đề ra những mục tiêu cụ thể, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước.
Năm 1976, gần tròn 1 năm sau giải phóng, cử tri hai miền Nam Bắc lại nô nức đi bầu cử Quốc hội trong hòa bình, “2 miền cùng chung lá phiếu”. Ở nơi địa đầu Tổ quốc, nhân dân Xứ Lạng gửi gắm vào mỗi lá phiếu bầu mục tiêu xây dựng và kiến thiết đất nước sau chiến tranh.
Nhà báo lão thành Vũ Bách nhớ lại: đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cử tri, Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của nhà nước Việt Nam thống nhất; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước.
Trước những ngày đổi mới, cử tri cả nước hết sức lo lắng trước sự leo thang nhanh chóng của giá cả. Với nhiệm vụ “ra sức mưu sự hạnh phúc cho nhân dân”, các ĐBQH đã đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình, phản ánh lên Quốc hội và lãnh đạo Đảng. Từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách quốc kế, dân sinh, đưa đất nước ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, phát triển và hội nhập quốc tế.
70 năm, trải qua 13 nhiệm kỳ Quốc hội, mỗi nhiệm kỳ đều để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri về ý thức trách nhiệm, về tinh thần phục vụ nhân dân trong hoạt động của mình.
Năm nay vừa tròn 19 tuổi, em La Thị Ngọc Ánh, xã Thái Bình, huyện Đình Lập, sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn chia sẻ: em đã xem rất kỹ danh sách và chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH, HĐND các cấp, em rất vinh dự và tự hào khi được cầm trên tay lá phiếu để bầu ra những người xứng đáng nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức trong cùng một ngày 22/5/2016. Cuộc bầu cử diễn ra sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lạng Sơn đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Đây là dịp để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Ở nơi địa đầu Tổ quốc, xuyên suốt lịch sử 70 năm kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, nhân dân Xứ Lạng vẫn luôn vững lòng vào những người đại biểu mà mình đã gửi gắm niềm tin và tất cả đều đang hướng về một ngày hội lớn, ngày hội của toàn dân.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()