70% doanh nghiệp chưa hiểu về Cộng đồng ASEAN là đáng lo ngại
Ngày 18-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức phiên họp giải trình về Cộng đồng ASEAN. Đến dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các đại biểu Quốc hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng nhấn mạnh: Phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN nhằm mục đích cung cấp thông tin cập nhật về Cộng đồng ASEAN, tình hình triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, giải đáp những khó khăn, thuận lợi của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng ASEAN với các cử tri, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức chính trị – xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà sản xuất…
Nhiều ý kiến phát biểu của đại diện các bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Lao động- Thương binh và Xã hội, Công thương và đại biểu Quốc hội đã đề cập, thảo luận về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN, AIPA, các biện pháp tăng cường hợp tác liên nghị viện trong khu vực ASEAN sau khi Cộng đồng ASEAN được hình thành.
Đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành tham gia báo cáo về nhiều lĩnh vực liên quan Công đồng ASEAN.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, việc tham gia ASEAN cần được lồng ghép phù hợp vào các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về hội nhập quốc tế, cũng như nâng cao thế và lực của đất nước.
Các đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ hơn triển vọng của Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 và đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của Quốc hội đối với việc thúc đẩy hợp tác trong Cộng đồng ASEAN.
Phát biểu ý kiến tại Phiên giải trình về Cộng đồng ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khái quát quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như kiến nghị QH về công tác phối hợp, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng cho biết: Tính đến năm 2015, Việt Nam đã chính thức gia nhập ASEAN được 20 năm và QH Việt Nam cũng là thành viên chính thức của tổ chức Liên nghị viện ASEAN được 20 năm. Việc tham gia Cộng đồng ASEAN đem lại nhiều thuận lợi cũng như thách thức đối với Việt Nam về nhiều mặt, từ khung pháp lý, chính sách cho tới nguồn lực và các biện pháp triển khai thực hiện. Chính vì vậy, những thông tin về sự tham gia của Việt Nam vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các đại biểu QH và cử tri cả nước.
Theo báo cáo, mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, được thông qua vào năm 2003, là gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và có quan hệ rộng mở với bên ngoài. Lộ trình xây dựng Cộng đồng được triển khai từ năm 2009 với hơn 800 đầu việc trên cả 3 trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc hình thành Cộng đồng ASEAN không phải là một sự kiện, mà là cả một tiến trình, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực. Đây là “bước chuyển mang tính chiến lược”, dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực và tạo thêm xung lực mới cho ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN thực chất vẫn là một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”, có mức độ liên kết cao hơn Hiệp hội, nhưng chưa chặt chẽ đến mức như EU và không phải là một tổ chức siêu quốc gia.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiến nghị QH tích cực phối hợp tham gia xây dựng ASEAN vững mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng việc tham gia ASEAN mang lại nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, trong đó quan trọng nhất là góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao năng lực hội nhập, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các FTA giữa ASEAN với các đối tác giúp ta chủ động, tự tin tham gia các sân chơi lớn hơn như TPP, RCEP; một loạt các FTA lớn với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu… qua đó mở rộng thị trường, tăng thu hút đầu tư, tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý hiện đại phục vụ phát triển đất nước.
Về thách thức, Phó Thủ tướng nêu rõ tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong bối cảnh đó, việc duy trì thống nhất và đoàn kết nội khối ASEAN là “vấn đề sống còn”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội, Việc Nam vẫn thuộc nhóm nước đi sau về trình độ phát triển trong ASEAN. Khi Cộng đồng hình thành, Việt Nam có thể sẽ bị cạnh tranh quyết liệt và ở thế bất lợi hơn nếu không có sự chuẩn bị đầy đủ.
Trong khi đó, hiện nay nhận thức của người dân và doanh nghiệp về Cộng đồng ASEAN còn chưa đầy đủ. Ước tính 70% doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về Cộng đồng ASEAN, như vậy“là một thực tế đáng lo ngại”.
Phó Thủ tướng kiến nghị Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam trong tham gia hoạt động của Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA); cùng Quốc hội các nước ASEAN hỗ trợ các cơ quan Chính phủ, tổ chức nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng ASEAN liên kết chặt chẽ và vững mạnh.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thời gian tới, cần sớm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước để tạo thuận lợi cho hội nhập khu vực và quốc tế; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các luật lệ, quy định trong nước cho phù hợp để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận của ASEAN.
Về kết quả rà soát pháp luật trong ASEAN cho thấy, đến ngày 15-7-2015, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương được rà soát có liên quan cam kết của Việt Nam trong ASEAN là 506 văn bản, bao gồm 83 luật; 4 Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 8 Pháp lệnh; 162 Nghị định của Chính phủ; 34 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ… |
“Một điều rút ra được từ quá trình rà soát pháp luật về tính tương thích của pháp luật Việt Nam (mặc dù đây không phải là mục tiêu rà soát pháp luật), cho thấy hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn tiếp cận ở tình trạng “thụ động”, tức là cố gắng không vi phạm cam kết quốc tế, mà ít “chủ động”- tức là khai thác các cơ hội của các điều ước quốc tế để chúng ta chủ động chiếm lĩnh thành công không chỉ ở Việt Nam mà tại cả các thị trường khác trong ASEAN…”
(Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Tư pháp)
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()