70-75% doanh nghiệp và người lao động đã quay trở lại làm việc
Sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Khoảng 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc.
Ngày 3/11, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tính chủ động của các địa phương khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch. Các chính sách hỗ trợ của địa phương đã kịp thời, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và bảo đảm đời sống của người lao động, cũng như đối với lao động tự do.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. Nhìn chung, đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ hơn 90%.
“Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại. Thêm vào đó, tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm 2022 tình hình lao động – việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.
Ngoài ra, vấn đề người dân, người lao động di chuyển từ các thành phố lớn về quê cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đặc biệt lưu tâm.
Theo đó, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Đối với lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm. Qua đó, doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách khôn khéo để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
“Bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất tốt cho người lao động của mình, điều này lý giải cho việc kết quả triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc không hưởng lương thời gian vừa qua còn tương đối thấp”, ông Đào Ngọc Dung đánh giá.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, bảo đảm toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động – xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào ba vấn đề lớn: Giữ chân người lao động; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; Điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.
Người đứng đầu ngành lao động – thương binh và xã hội lưu ý thêm, qua tổng hợp báo cáo của địa phương, cơ quan này sẽ tham mưu vào Đề án phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động.
Trong tháng 10, công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được triển khai. Tính đến ngày 22/10, tổng kinh phí đã triển khai hỗ trợ trên toàn quốc là hơn 24 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 25,2 triệu đối tượng.
Tính đến thời điểm 1/11, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NĐ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã dành hơn 27 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Quỹ này chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 8,34 triệu người, tương đương với ngân sách hơn 19,8 nghìn tỷ đồng.
Ý kiến ()