7 xế hộp thất bại nhất năm 2010
Một số “gương mặt” quen thuộc như Smart For Two, Honda Insight, Acura ZDX bị liệt vào danh sách các mẫu xe thất bại nhất năm 2010 của Forbes.
Căn cứ vào ý kiến của 3 chuyên gia: Jake Fishe – kỹ sư ôtô lão làng của công ty đánh giá xe hơi Consumer Report, Troy Snyder – giám đốc phát triển sản phẩm của tổ chức NADAGuides chuyên cung cấp thông tin và giá bán xe cho khách hàng, và John McElroy – người dẫn chương trình truyền hình Autoline của Mỹ, trang Forbes đã tổng kết 7 model xe thất bại nhất năm 2010.
Doanh số tiêu thụ tụt dốc thảm hại là một trong những phương diện để xác định sự thất bại của một mẫu ôtô. Bên cạnh đó là những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức, chuyên trang đánh giá xe hơi tên tuổi. Sự thất bại cũng gắn liền với những mẫu xe gây tiếng vang ngay từ khi chưa trình làng nhưng sau đó lặn mất tăm trên các phương tiện truyền thông và tóm lại, các mẫu xe này không đáp ứng được kỳ vọng như ban đầu.
Dưới đây là 7 “gương mặt” xe hơi thất bại nhất năm 2010:
1. Smart ForTwo Pure Coupe
Giá khởi điểm: 11.990 USD
Phía sau kiểu dáng nhỏ gọn, phong cách thời trang ấn tượng và tính kinh tế cao của “anh chàng” 2 chỗ Smart ForTwo Pure concept là tính năng lái nghèo nàn, nguy cơ va chạm cao. Đó là lý do giải thích vì sao mẫu xe có mặt trong danh sách 10 xe tệ nhất trong năm do tạp chí Consumer Reports bình chọn. Doanh số tiêu thụ suy giảm nghiêm trọng cũng là hệ quả tất yếu.
2. Honda Insight
Giá khởi điểm: 18.200 USD
Khi mới tung ra thị trường, với lợi thế tiết kiệm nhiên liệu cao, tiện dụng và giá rẻ nhất làng xe hybrid, Honda Insight đã tạo nên “cơn sốt” chóng mặt với lượng tiêu thụ cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, kể từ lúc thế hệ mới của đối thủ Toyota Prius xuất hiện vài tháng sau, sự thành công của Honda Insightnhanh chóng bị tụt hạng.
Dù đã nỗ lực nâng cấp và giá bán rẻ hơn nhưng mẫu xe hybrid của Honda vẫn hoàn toàn lép vế so với Prius. Doanh số tiêu thụ của Insight ước tính chỉ bằng 1/10 model Prius đời mới. Insight cũng từng bị Consumer Report chỉ trích về chất lượng lái và tiếng ồn nội thất.
3. Lexus HS250h
Giá khởi điểm: 34.650 USD
Sử dụng hệ thống hybrid nhưng Lexus HS250h không đạt hiệu suất nhiên liệu hiệu quả như các xe hybrid khác. Mức tiêu thụ nhiên liệu của mẫu hybrid hạng sang này thậm chí ngang ngửa với sedan chạy xăng Toyota Corolla. Thêm một điều gây thất vọng là thiết kế nội thất mẫu xe không y nguyên những gì nhà sản xuất hứa hẹn.
Chưa hết, độ an toàn của Lexus HS250hcũng có vấn đề. Cuối tháng 6 vừa qua, Toyota đã thu hồi khoảng 17.000 chiếc và tạm ngừng sản xuất model Lexus HS250h 2010 do lỗi rò rỉ nhiên liệu.
4. Acura ZDX
Giá khởi điểm: 45.495 USD
Trước khi tấn công thị trường vào tháng 12/2009, mẫu crossover hạng sang cỡ trung ZDX của Acura từng khiến báo giới “sôi sục”. Nhưng doanh số “lẹt đẹt” do kiểu dáng gây nhiều tranh cãi, nội thất hẹp và đặc biệt sự cạnh tranh quá mạnh của nhiều mẫu crossover khác khiến Acura ZDX nhanh chóng gây thất vọng cho người tiêu dùng.
Sau hơn 4 tháng có mặt trên thị trường, tháng 4/2010, ZDX bị lĩnh án triệu hồi với số lượng 1.850 chiếc để khắc phục lỗi túi khí.
5. Honda Accord CrossTour
Giá khởi điểm: 29.790 USD
Pha trộn kiểu dáng hatchback-sedan-crossover nhưng thiết kế ngoại thất mang tính đột phá của Accord CrossTour lại bị đả kích nặng nề. Ngoài ra, khoang hành lý mẫu xe 5 chỗ cũng bị chê nhỏ, bất tiện. Để lôi kéo khách hàng, Accord CrossTour phải dùng đến chiêu giảm giá nhưng doanh số bán hàng vẫn không thể bật lên được.
6. Suzuki Kizashi
Giá khởi điểm: 18.999 USD
Là “con bài” quan trọng của hãng xe Nhật Suzuki trong cuộc chiến sedan hạng trung nhưng cái tên Kizashi không tạo được sự chú ý trên thị trường. Mẫu xe hoàn toàn bị lấn át bởi những cái tên ăn khách như Toyota Camry, Honda Accord, Hyundai Sonata, Mazda6.
7. Honda Element
Giá khởi điểm: 20.875 USD
Đầu tháng này, Honda thông báo “khai tử” mẫu Element sau model 2011. Doanh số tiêu thụ xuống dốc liên tiếp trong vài năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến “cái chết” của “anh chàng” crossover cỡ nhỏ này.
Trong khi các kình địch như Scion xB, Kia Soul và Nissan không ngừng cải tiến để thu hút khách hàng, Element hầu như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Không những diện mạo ít thay đổi, mẫu xe thậm chí còn cồng kềnh hơn, giá bán đắt hơn những đối thủ cạnh tranh kia. Bên cạnh đó, Element còn bị lép vế trước người anh em CR-V thuộc cùng phân khúc sở hữu nhiều tiện nghi hơn cùng mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn.
Ý kiến ()