7 nhóm hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục đích của Chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số. Tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.
Đồng thời, Chương trình sẽ thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Bản đồ hóa và công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Chương trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng của Chương trình là các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan, tổ chức thực hiện Chương trình là các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, các hội, hiệp hội triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo Chương trình và các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số là các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.
7 nhóm hoạt động dự kiến triển khai
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Chương trình đề xuất 7 nhóm hoạt động dự kiến triển khai.
Thứ nhất, xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số triển khai Chương trình. Theo đó, phát triển, vận hành Cổng thông tin, ứng dụng điện thoại thông minh của Chương trình nhằm tạo môi trường số triển khai các hoạt động, tăng cường tương tác giữa các đối tượng của Chương trình trên môi trường số; xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn dùng chung.
Thứ hai, hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: Nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; từ đó kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: Xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số; hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Thứ tư, hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: Chương trình đánh giá, lựa chọn những cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ năng lực, cam kết chuyển đổi số để hỗ trợ tư vấn xây dựng lộ trình chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa 50% chi phí hợp đồng tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai khi sử dụng dịch vụ tư vấn của mạng lưới chuyên gia.
Thứ năm, hỗ trợ ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: Xây dựng các gói hỗ trợ, bao gồm các chỉ dẫn giải pháp công nghệ cho các nhóm đối tượng khác nhau chia theo quy mô, giai đoạn phát triển kinh doanh và theo lĩnh vực, ngành nghề. Các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia được hỗ trợ tối đa 50% chi phí ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số.
Thứ sáu, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển giải pháp, nền tảng chuyển đổi số, gồm xây dựng tiêu chí, tổ chức đánh giá, lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số và kết nối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.
Thứ bảy, triển khai các hoạt động truyền thông cho Chương trình để tạo sự lan tỏa và kết nối.
Kinh phí thực hiện Chương trình từ nguồn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên) và kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình./.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()