7 nguyên nhân chính khiến nhiều dự án ODA chậm giải ngân
Nêu bảy nguyên nhân chính khiến nhiều dự án ODA chậm giải ngân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định Hội nghị sắp tới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cùng đoàn công tác của Chính phủ thị sát tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên, tuyến metro đầu tiên của TP. Hồ Chí Minh. |
Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Xin ông cho biết kết quả mới nhất về giải ngân các dự án ODA?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Có thể thấy trong thời gian qua, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 08/7/2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27/8/2020 của Văn phòng Chính phủ, với sự tham gia của các cấp, các ngành, xác định giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm; triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch giao năm 2020. Nhờ đó tình hình giải ngân đã có sự cải thiện qua các tháng gần đây, tăng từ mức 20,79% trong tháng 8 lên mức 28,73% trong tháng 9 và 30,75% trong tháng 10.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương tính đến ngày 31/10/2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% so với kế hoạch giao. Mức giải ngân này cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái cả về giá trị (12.367 tỷ đồng) và tỷ lệ (27,09%). Điều này cho thấy tỷ lệ giải ngân ước 10 tháng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Mặc dù còn khá nhiều khó khăn, nhất là những vướng mắc mang tính cố hữu từ trước tới nay vẫn chưa giải quyết được triệt để (như giải phóng mặt bằng, hài hòa thủ tục giữa trong nước với nhà tài trợ…), nhưngvới đặc tính của nguồn vốn ODA là giải ngân mạnh vào các tháng cuối năm do hoàn tất các thủ tục về đấu thầu và trao thầu, tôi hy vọng tình hình giải ngân các tháng cuối năm sẽ rất khả quan.
Về số vốn chưa giải ngân trong kế hoạch 2020, cần lưu ý đến Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giảm 9.318,342 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đồng thời bổ sung 517,142 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho một số địa phương.
Dự kiến tới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Xin ông đánh giá về tầm quan trọng và ý nghĩa của Hội nghị này trong bối cảnh hiện nay?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ chủ trì có tầm quan trọng đặc biệt để nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong Kế hoạch đầu tư đầu tư công năm 2020, góp phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề sau đây.
Cụ thể, đánh giá tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TT-VPCP ngày 08/7/2020 và số 310/TB-VPCP ngày 27/8/2020 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản điều hành khác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Hội nghị cũng sẽ nhận diện, đánh giá những vướng mắc, nút thắt và chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2020, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan về thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục về đầu tư công, quản lý tài chính, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp,…. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo và người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực thi các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. – Ảnh: MPI |
Dự kiến trong tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương về vấn đề này.
Xin ông phân tích, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc chính trong giải ngân vốn ODA? Và việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra những hệ quả gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo tôi, chậm trễ giải ngân trong thời gian qua xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Cụ thể, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Như chúng ta đã biết, do hầu hết hoạt động của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện các dự án này chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án, tổ chức đấu thầu,… dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn này bị ngưng trệ do không có khối lượng thực hiện hoặc nếu có khối lượng thì gặp khó khăn trong việc xác nhận, nghiệm thu và thanh quyết toán.
Cùng với đó là vướng mắc trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành hoặc các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có những điều chỉnh, thay đổi như thay đổi thiết kế dự án, tổng mức và cơ cấu vốn đầu tư,… làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Một lý do nữa là những khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Nhiều hoạt động trong quá trình thực hiện dự án phải có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.
Một nguyên nhân khác là công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu. Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh chóng thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài. Chất lượng thiết kế một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và chưa phù hợp với điều kiện cụ thể nên trong quá trình triển khai thực hiện Dự án phải bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh nhiều lần.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện được, một số gói thầu đã triển khai nhưng không có mặt bằng thi công công trình. Việc thiếu vốn đối ứng để trả thuế VAT,… cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc hấp thụ, giải ngân nhiều chương trình, dự án hiện nay. Việc cân đối vốn đối ứng ODA từ nguồn thu từ đất của nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp không bán được đất.
Thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn kéo dài. Quy trình kiểm soát chi và giải ngân hiện nay mất khá nhiều thời gian, hồ sơ rút vốn được thực hiện từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bộ Tài chính đến nhà tài trợ chấp thuận, dẫn đến tỷ lệ giải ngân còn thấp. Theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, một đơn rút vốn có đầy đủ hồ sơ hợp lệ không phải bổ sung, điều chỉnh cần 2-3 tháng để hoàn thành các thủ tục rút vốn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa thực sự chú trọng đến công tác giải ngân, hoàn tất các thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.
Công tác tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng; một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án còn bị động, lúng túng trong quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án và tiếp nhận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; việc phát huy, trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, triển khai các dự án ODA chưa được tận dụng; năng lực cán bộ làm công tác quản lý ODA còn hạn chế về chuyên môn mua sắm, đấu thầu, quản lý tài chính nhất là về ngoại ngữ nên khả năng trao đổi, đàm phán trực tiếp với cán bộ của nhà tài trợ còn khó khăn.
Việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra những hệ quả như việc các dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Với một số nhà tài trợ (WB, ADB,…) Việt Nam sẽ phải trả phí cam kết đối với phần vốn vay chưa giải ngân. Việc chậm giải ngân trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ gây sức ép lên ngân sách nhà nước trong giai đoạn trung hạn tới, phần nào ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ về khả năng hấp thụ nguồn vốn này.
Bên cạnh các dự án chậm trễ, nhiều dự án cũng được triển khai hiệu quả, hoặc được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian gần đây. Ông có thể cho biết một số ví dụ tốt về nỗ lực giải ngân ODA ở Việt Nam? Và điều này cho thấy điều gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Theo số liệu của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, một số địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%). Điều này cho thấy ý chí và quyết tâm của cấp lãnh đạo trong công tác chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăc, vướng mắc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, cần thực hiện ngay các giải pháp sau đây.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 và Thông báo số 310/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; thường xuyện cập nhật, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tình hình thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ.
Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án.
Giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đi đôi với cải cách hành chính.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện: Cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và nhà tài trợ phải chuẩn bị dự án kỹ lưỡng; tuyển chọn tư vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án, đảm bảo thiết kế đạt chất lượng, phù hợp với thực tế; không đề xuất các cấu phần áp dụng các công nghệ nhanh chóng lạc hậu mà doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện (như công nghệ thông tin…).
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nghiêm việc ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA, khẩn trương đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành thủ tục thanh quyết toán, phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước khẩn trương rà soát, giải quyết hồ sơ thanh toán, không để dồn đến cuối năm. Các chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản tiền đã rút vốn từ tài khoản đặc biệt.
Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, đảm bảo đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Ý kiến ()