7 cá thể sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp
Nhiều người dân, bảo vệ Vườn quốc gia Tràm Chim vui mừng khi thấy đàn sếu tự nhiên quay trở lại theo thời gian biểu trước đây, là chỉ báo cho thấy môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia Tràm Chim đã dần được phục hồi.
Chiều 26/12, Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết: Vào lúc 11 giờ 10 phút cùng ngày, nhân viên bảo vệ Trạm Phú Hiệp, Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), ghi nhận 7 cá thể sếu bay ngang trạm về hướng khu A5 của Vườn. Việc phát hiện thông qua tiếng kêu của sếu và nhận dạng hình ảnh từ xa.
Theo Tiến sĩ Trần Triết, Hội Sếu quốc tế, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cuối tháng 12 là thời điểm đàn sếu bắt đầu rời nơi sinh sản phía bắc Campuchia để về vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều năm trước, sếu đầu đỏ cũng bắt đầu về Vườn quốc gia Tràm Chim vào thời điểm này. Tuy nhiên, trong nhiều năm, sếu dần về Tràm Chim rất muộn, có năm không cá thể nào về.
“Việc đàn sếu tự nhiên quay trở lại theo thời gian biểu trước đây là chỉ báo cho thấy môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia đã dần được phục hồi.
Đây là tín hiệu tốt cho chương trình phục hồi bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 mà Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện”, Tiến sĩ Trần Triết cho biết.
Tiến sĩ Triết cũng mong muốn, với đà hồi phục của hệ sinh thái tự nhiên, hy vọng đàn sếu hoang dã sẽ về lại Tràm Chim ngày càng đông đảo hơn.
Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết: Hiện, các bãi năng tại các phân khu A1, A4 và A5 đã dần phục hồi rất tốt, năng kim đã tạo củ, nguồn thức ăn cũng đa dạng.
Vườn đang chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tiếp tục công tác quản lý và điều tiết mực nước cho phù hợp các phân khu chức năng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sếu về kiếm ăn và trú ngụ.
Vườn cũng đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi 24/24 giờ tại bãi ăn bên trong Vườn và các vùng phụ cận (nơi sếu từng kiếm ăn) để giám sát và có các giải pháp kiến nghị quản lý cho phù hợp.
Phân công lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra nhằm ngăn chặn người dân vào đánh bắt trái phép, khai thác tài nguyên thiên nhiên bên trong cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ.
Ý kiến ()