65 năm chặng đường thi đua ái quốc
LSO-Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ giết giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt.
LSO-Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ giết giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Hướng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đem hết sức mình, tham gia kháng chiến, kiến quốc, đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, bảo vệ được chính quyền non trẻ, xoá nạn đói, nạn dốt. Từ kết quả bước đầu đó, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP gạch ngói Hợp Thành – Ảnh: Bùi Dũng |
Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, ngày 04/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tập trung phát động những phong trào thi đua yêu nước phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của đất nước, đã cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân các dân tộc của tỉnh cùng các lực lượng vũ trang làm nên những chiến công chói lọi trên mặt trận đường số 4 mà đỉnh cao là chiến thắng vang dội của chiến dịch Biên giới năm 1950, giải phóng một vùng biên cương rộng lớn, mở rộng chiến khu Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Những thành tích của quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng Hai cho nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn; Huân chương Quân công hạng Hai cho Tiểu đoàn 249, Huân chương Quân công hạng Hai cho Khu du kích Ba Sơn, Huân chương Quân công hạng Ba cho Khu du kích Chi Lăng và Khu du kích Nà Thuộc; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho nhân dân các huyện: Tràng Định, Đình Lập, Bắc Sơn, Cao Lộc và 9 xã; nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều đồng chí, đồng bào được tặng thưởng huân, huy chương các loại.
Phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ kính yêu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, tỉnh Lạng Sơn đã trở thành một trong những hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã vừa ra sức thi đua sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là “cảng nổi”, tiếp nhận, bảo vệ an toàn và vận chuyển hàng hoá của các nước xã hội chủ nghĩa anh em ủng hộ cho nhân dân ta đến các chiến trường miền Nam, đồng thời luôn sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Lớp lớp thanh niên Lạng Sơn đã nô nức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ đã anh dũng chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường hoặc mang thương tật suốt đời. Những hy sinh, đóng góp to lớn của quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Mùa Xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ phong trào thi đua ái quốc, nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã được Đảng và Nhà nước tuyên dương phong tặng các danh hiệu: Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 59 người mẹ, khen thưởng 998 cá nhân có thành tích trong thời kỳ chống Thực dân Pháp, 8.964 cá nhân có thành tích trong thời kỳ chống Mỹ, 9 huyện, thành phố và 10 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 29 Nhà giáo ưu tú, 26 Thầy thuốc ưu tú, 2 Nghệ sỹ ưu tú. Hàng nghìn người thi đua lập công trên các mặt trận công tác khác nhau đã được tặng các danh hiệu thi đua vẻ vang, được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại,…
Trong những năm đổi mới, cùng với cả nước, Lạng Sơn tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh có nhiều chuyển biến tiến bộ, đã bám sát và phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết chỉ đạo và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, UBND tỉnh đã ban hành quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước đối với các cấp, các ngành trong toàn tỉnh; thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua, tổng kết, bình xét danh hiệu thi đua và thực hiện công tác khen thưởng kịp thời; quan tâm chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền. Cổ vũ nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển ở các ngành, các cấp và trên mọi lĩnh vực.
Nổi bật trong các phong trào thi đua của tỉnh, có các phong trào thi đua: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh tăng năng suất; phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; lương y như từ mẫu; xây dựng gia đình, làng bản, đơn vị, cơ quan văn hoá; phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; phong trào phòng chống các tệ nạn xã hội; xoá nhà dột nát cho các hộ nghèo và hộ chính sách; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; phong trào làm đường giao thông nông thôn; phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình; phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ giữ nước; phong trào thi đua quyết thắng; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phong trào thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,… Các phong trào đã lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thi đua lập thành tích trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Về kinh tế – xã hội, những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn thử thách như giá cả thị trường biến động bất thường, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, dịch bệnh… Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, kết cấu hạ tầng bộ mặt nông thôn và đô thị có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2012, tốc độ phát triển kinh tế tiếp tục tăng trưởng, GDP đạt 7,32%; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 21,01% giảm 3,05% so với năm 2011; lao động qua đào tạo đạt 37% tăng 2% so với năm 2011; số lao động được giải quyết việc làm trong năm đạt 11.800 lao động, đạt 99,4%, tổ chức dạy nghề 4.200 người, đạt 61,7% kế hoạch, dạy nghề nông thôn được 1.576 người; 226/226 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đạt 100% chỉ tiêu đề ra. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng văn hoá nông thôn có 30% số thôn, bản, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 100% hộ gia đình được nghe đài tiếng nói Việt Nam, 98% hộ gia đình được xem truyền hình; 100% số xã có sóng di động 2G, 3G,…
Từ phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, nhiều tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 2 tập thể; 31 huân chương độc lập các hạng, 253 huân chương lao động các hạng, 47 cờ thi đua của Chính phủ; 222 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 269 cờ thi đua của tỉnh; 13.476 bằng khen của tỉnh, công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng cho 1.149 đơn vị và danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh cho 92 cá nhân. Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh, Lạng Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh luôn gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, luôn là đơn vị trong tốp đầu của phong trào thi đua cụm 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Công tác thi đua, khen thưởng ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng không ngừng được kiện toàn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được chú trọng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới.
Thành phố Lạng Sơn trên đà phát triển – Ảnh: BT |
Hưởng ứng 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc – Ngày truyền thống Thi đua yêu nước, hiện nay các ngành, các cấp trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, gắn với tuyên truyền việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng của công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị và của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và Bộ Nội vụ.
HUY BÌNH
Ý kiến ()