60 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 7h00 ngày 23/7, mưa lũ đã làm 60 người bị chết, mất tích và bị thương. Yên Bái là địa phương thiệt hại nặng nề về người, với 11 người chết, 06 người mất tích và 18 người bị thương.
Ảnh chỉ có tính minh hoạ (Nguồn: ktv.org.vn)
Cụ thể: 22 người chết (Yên Bái: 11 người, Sơn La: 04 người, Lào Cai: 01 người, Phú Thọ: 03 người, Hòa Bình: 01 người, Thanh Hóa: 02 người); 12 người bị mất tích (Yên Bái: 06 người, Sơn La: 02 người, Phú Thọ: 01 người, Thanh Hóa: 03 người); 26 người bị thương (Yên Bái: 18 người, Sơn La: 01 người, Phú Thọ: 03 người, Thanh Hóa: 03 người, Nghệ An: 01 người).
Về nhà cửa: Nhà bị sập: 231 nhà (Yên Bái: 157 nhà, Sơn La: 17 nhà, Phú Thọ: 20 nhà, Hòa Bình: 03 nhà; Quảng Ninh: 02 nhà, Thanh Hóa: 07 nhà, Nghệ An: 24 nhà, Hà Tĩnh: 01 nhà); nhà bị ngập: 5.878 nhà (Phú Thọ: 5.123 nhà, Sơn La: 209 nhà, Lào Cai: 55 nhà, Hòa Bình: 114 nhà; Quảng Ninh: 185 nhà, Thanh Hóa: 32 nhà, Nghệ An: 160 nhà); nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp: 4.269 nhà (Sơn La: 202 nhà, Yên Bái: 163 nhà, Lào Cai: 04 nhà, Phú Thọ: 3.435 nhà, Hòa Bình: 207 nhà, Quảng Ninh: 232 nhà, Nghệ An: 26 nhà).
Về chăn nuôi, thủy sản: Gia súc bị chết, cuốn trôi: 6.455 con (Sơn La: 36 con, Yên Bái: 218 con, Lào Cai: 01 con, Phú Thọ: 6.096 con, Hòa Bình: 18 con, Thanh Hóa: 40 con, Nghệ An: 46 con); gia cầm bị chết, cuốn trôi: 106.008 con (Sơn La: 310 con, Yên Bái: 2.625 con, Lào Cai: 191 con, Phú Thọ: 87.742 con, Thanh Hóa: 8.113 con, Nghệ An: 7.027 con); diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 5.670 ha (Sơn La: 09 ha, Lào Cai: 12,1 ha, Phú Thọ: 582,7 ha, Hòa Bình: 5,6 ha, Thanh Hóa: 1.564,3 ha; Nghệ An: 3.226,08 ha).
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt và địa phương tính đến 19h00 ngày 22/7/2018, khu vực các tỉnh đồng bằng sông Hồng có 59.481 ha lúa ngập úng (Hà Nội: 700 ha, Hải Phòng: 4.419 ha, Hải Dương: 25.295 ha, Hà Nam: 430 ha, Nam Định: 20.546 ha, Thái Bình: 2.500 ha, Ninh Bình: 5.290 ha, Quảng Ninh: 300 ha); 2.003 ha ngô và hoa màu (Hải Phòng: 691 ha, Hải Dương: 1.594 ha); khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ có diện tích ngập úng là: 50.546 ha lúa (Thanh Hóa: 13.369 ha, Nghệ An: 30.237 ha, Hà Tĩnh: 6.940 ha); 13.632 ha ngô và hoa màu (Thanh Hóa: 2.874 ha, Nghệ An: 7.538 ha, Hà Tĩnh: 3.220 ha); khu vực miền núi phía Bắc có diện tích ngập úng là: 4.787 ha lúa (Lào Cai: 342 ha, Yên Bái: 800 ha, Phú Thọ 1.7505 ha, Hòa Bình: 1.940 ha); 1.545 ha hoa màu (Lào Cai: 30 ha, Yên Bái: 300 ha, Phú Thọ 785 ha, Hòa Bình: 430 ha). Để xử lý ngập úng, theo báo cáo ngày 22/7/2018 của Tổng cục Thủy lợi tính đến 17h00 ngày 22/7/2018, các địa phương, doanh nghiệp liên tỉnh đang vận hành hành 3.142 máy bơm và 69 cống tiêu để tiêu úng.
Về giao thông, theo báo cáo ngày 22/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, tính đến 18h00 ngày 22/7/2018, còn một số điểm vẫn còn ách tắc như: Phú Thọ: Quốc lộ 32 còn 02 điểm nước ngập sâu, Quốc lộ 70B còn 03 điểm sạt lở và ngập sâu, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Hòa Bình: Quốc lộ 6 có 01 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Sơn La: Quốc lộ 6 có 02 điểm ngập nước gây tắc đường; Quốc lộ 43 còn 06 điểm sạt lở, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe; Quốc lội 32B còn 03 điểm sạt lở, Quốc lộ 6C còn 01 điểm ngập nước gây tắc đường, dự kiến trong ngày 23/7 thông xe. Đường tỉnh lộ 101, 102, 114 còn một số vị trí còn ách tắc giao thông, các đơn vị đang khắc phục dự kiến trong ngày 23/7 thông xe. Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác đã cơ bản thông xe.
Về tình hình lũ trên sông Hoàng Long, sông Thao, sông Hồng, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, trên sông Hồng tại Hà Nội đang xuống chậm; mực nước trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ đang xuống nhanh. Lúc 07h ngày 23/7, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội: 7,74 m (dưới báo động 1); lúc 07/23/7, trên sông Hoàng Long tại Bến Đế: 3,87 m (dưới báo động 3: 0,13m); trên sông Thao tại Yên Bái: 29,13m (dưới báo động 1), tại Phú Thọ: 16,49 m (dưới báo động 1). Dự báo: Lũ mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ, sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục xuống: Đến 19h/23/7, mực nước tại Bến Đế xuống mức 3,50 m (ở mức báo động 2); đến 19h/23/7, mực nước tại Yên Bái xuống mức 28,00 m (dưới báo động 1: 2,00 m); tại Phú Thọ xuống mức 15,60 m (dưới báo động 1: 1,90 m); đến 19h/23/7, mực nước tại Hà Nội xuống mức 7,50 m (dưới báo động 1: 2,00 m).
Trên sông Cả và sông Bưởi: Lũ trên sông Bưởi (Thanh Hóa) đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; hạ lưu sông Cả (Nghệ An) xuống chậm. Mực nước lúc 4h ngày 23/7 trên sông Bưởi tại Kim Tân 12,06m, ở mức báo động 3; trên sông Cả tại Nam Đàn 5,88m, trên báo động 1: 0,48m. Dự báo: Trong 12 giờ tiếp theo, lũ sông Bưởi, sông Cả tiếp tục xuống chậm.
Về cảnh báo sạt lở đất trên khu vực tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu); Mường Nhé, Tủa Chùa (Điện Biên); Mường La, Thuận Châu (Sơn La); Bát Xát, Sa Pa (Lào Cai); Mù Cang Chải, Văn Yên (Yên Bái). Cấp độ rủ ro thiên tai: cấp 2.
Về tình hình đê điều, tổng hợp từ các địa phương, hệ thống đê điều đã xảy ra 39 sự cố, trong đó: Phú Thọ,04 sự cố (tràn đê tả Thao và tả, hữu sông Bứa), địa phương chủ động sơ tán nhân dân khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; Hà Nội,một số vị trí đê bao hữu Bùi bị tràn, gây sạt lở chiều dài khoản 40m. Thành phố đã tổ chức chống tràn và đang lập phương án xử lý sạt lở; Hà Nam,06 sự cố tràn, rò rỉ qua đê tại một số tuyến đê bối trên sông Đáy do mực nước lũ dâng cao, địa phương đang tiến hành xử lý khắc phục; Nam Định,08 sự cố (sạt lở đê biển Nghĩa Hưng và đê bối Đồng Tâm; sạt lở kè Cồn Tròn; thấm qua tường kè và tràn qua 02 cửa khẩu đê tả Ninh Cơ; nứt đê tả Đáy, tràn bờ bao Yên Bằng, huyện Ý Yên), địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; Thái Bình,11 sự cố (sạt lở mái đê phía đồng các tuyến đê biển 5, đê biển 7, Hồng Hà 2, cửa sông tả Hồng, cửa sông hữu Hóa), địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu các sự cố và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố; Ninh Bình,06 sự cố (rò mang, đáy tràn Lạc Khoái; rò mang tường bể xả trạm bơm Gia Viễn; tràn đê bao Hoa Tiên, đê bao sông Bôi, nước luồn qua cống Đền Vực do không có cửa điều tiết, đê Trường Yên), địa phương đã huy động lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và nhân dân cùng phương tiện, vật tư đất để chống tràn, hoành triệt cống, xử lý giờ đầu và tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố; Thanh Hóa,01 sự cố (sập sân tiêu năng cống 3 cửa, đê biển xã Hải An, huyện Tĩnh Gia), địa phương đã khắc phục sự cố bằng xếp rọ đá; Nghệ An,03 sự cố sạt lở kè phía ngoài đê tả Lam, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến khu vực sạt lở.
Hiện các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến các sự cố và tiếp tục thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ đê điều theo quy định.
Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo số 255/BC-CQTT ngày 23/7/2018 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h00 ngày 23/7, Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.769 phương tiện/98.825 lao động biến diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới gần bờ để chủ động di chuyển phòng, tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện nay, còn 1.655 khách du lịch lưu trú an toàn tại các đảo của Quảng Ninh.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ tập trung công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, tập trung tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, bố trí nơi ở cho các hộ dân bị mất nhà cửa; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân.
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, sạt lở đất để chủ động các phương án ứng phó; kiểm soát chặt chẽ việc giao thông qua khu vực ngầm tràn, đò ngang, đò dọc, đường còn bị ngập sâu.
Tiếp tục tăng cường bơm tiêu úng để hạn chế thiệt hại diện tích lúa, hoa màu, sẵn sàng kế hoạch phục hồi, tổ chức lại sản xuất phù hợp đối với diện tích bị mất trắng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam ưu tiên đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho các trạm bơm tiêu úng.
Kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nhỏ xung yếu, đã tích đầy nước.
Tiếp tục duy trì thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, diễn biến mưa lũ để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống xảy ra. Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng thiên tai.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()