60 năm xây dựng và trưởng thành
LSO-Ngày 29/4/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bộ Kiến trúc nay là Bộ Xây dựng. Ty Kiến trúc Lạng Sơn cũng được thành lập từ đó, đến năm 1974 đổi tên từ Ty Kiến trúc thành Ty Xây dựng; tiếp đó đến năm 1980 lại đổi tên từ Ty Xây dựng thành Sở Xây dựng Lạng Sơn. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành (29/4/1958 - 29/4/2018), ngành xây dựng Lạng Sơn đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đô thị Lạng Sơn đổi thay từng ngày trên chặng đường phát triển |
Suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng Lạng Sơn đã đoàn kết một lòng, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.
Từ năm 1961 – 1975, đây là giai đoạn đất nước đang trong thời kỳ chia cắt bởi chiến tranh, do vậy, ngành xây dựng Lạng Sơn vừa thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy hoạch và củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp trong điều kiện vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Nhiều phong trào thi đua được phát động như: “Năng suất cao, chất lượng tốt”; “Tay búa tay súng”, “Tay bay tay súng”. Trong giai đoạn này, nhiều cơ sở sản xuất, công trình xây dựng được triển khai như: trụ sở cơ quan tỉnh, đưa vào hoạt động Xí nghiệp Gạch ngói Hợp Thành, Trại giống Tràng Định và xây dựng các công trình phục vụ chiến đấu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành xây dựng Lạng Sơn tham mưu cho tỉnh nghiên cứu thiết kế quy hoạch chung thị xã Lạng Sơn nhằm định hướng không gian phát triển trong tương lai của đô thị biên giới.
Hòa bình lập lại chưa được bao lâu, Lạng Sơn lại đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới và tỉnh Lạng Sơn sáp nhập với tỉnh Cao Bằng lấy tên là tỉnh Cao Lạng, sau đó lại tách tỉnh vào năm 1978. Thời kỳ 1978 – 1986, ngoài nhiệm vụ tiếp tục tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng bị tàn phá do chiến tranh biên giới, khôi phục phát triển sản xuất trên phạm vi toàn tỉnh, ngành xây dựng Lạng Sơn đã tập trung toàn bộ lực lượng khảo sát xây dựng quy hoạch thị trấn Đồng Bành, phối hợp với Bộ Xây dựng lập thiết kế xây dựng quy hoạch chung thị xã Lạng Sơn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế – văn hóa, xã hội, an ninh – quốc phòng của tỉnh. Đồng thời phối hợp với Trường Đại học Mỏ địa chất khảo sát, lập dự án cấp nước cho thị xã Lạng Sơn, quy mô 10.000 m3/ngày. Qua đó góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, tạo tiền đề vững chắc cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ đổi mới.
Từ năm 1986 tới năm 2001, nhiệm vụ trọng tâm của ngành lúc này là hoàn thiện, phê duyệt thiết kế quy hoạch chung xây dựng thị xã Lạng Sơn, một số thị trấn, cửa khẩu biên giới như: Đồng Đăng, Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma và một số cặp chợ đường biên. Trong giai đoạn này, ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh làm tốt chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng, tiến hành thiết kế xây dựng các công trình phục vụ cho công tác quản lý, phát triển kinh tế, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn đổi mới. Một số công trình, cơ sở kinh tế được triển khai xây dựng, chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn này như: trụ sở Tỉnh ủy, nhà khách Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trung tâm hội nghị tỉnh, mở rộng Xí nghiệp gạch ngói Hợp Thành, nhà máy xi măng 20.000 tấn, xây dựng nhà máy nước, thiết kế hệ thống cấp nước trung tâm các huyện, phối hợp với trung ương triển khai xây dựng tuyến đường giao thông huyết mạch là quốc lộ 1A… Các công trình, dự án đều được ngành xây dựng tham gia thiết kế, quy hoạch đạt chất lượng và được đánh giá cao.
Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo, giai đoạn 2001 – 2018, ngành xây dựng Lạng Sơn tập trung chỉ đạo triển khai các đồ án quy hoạch Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, quy hoạch trục trung tâm Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, quy hoạch các cửa khẩu và các khu kinh tế thương mại biên giới, quy hoạch chi tiết các phường của thành phố Lạng Sơn và quy hoạch chung các thị trấn, quy hoạch nông thôn mới và thực hiện các chính sách về nhà ở. Trong giai đoạn này, công tác quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vật liệu xây dựng, phát triển khu đô thị đã bám sát quy hoạch. Đến nay có 5 khu đô thị và 7 khu tái định cư được đầu tư và nhiều dự án khu đô thị mới đã được công bố quy hoạch chi tiết và thực hiện công bố công khai để thu hút đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị của tỉnh trên chặng đường hội nhập.
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng Lạng Sơn trong năm 2018 và những năm tiếp theo đang được tập thể lãnh đạo, cán bộ của ngành tập trung triển khai như: tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng cơ bản, đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị, phát triển công nghiệp và làm tốt công tác quản lý quy hoạch xây dựng được duyệt. Tập trung phối hợp với các ngành hoàn thành quy hoạch vùng, triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Tích cực nghiên cứu, đề xuất và thiết kế quy hoạch chi tiết phát triển các đô thị trên địa bàn các huyện theo hướng chất lượng, phù hợp với thực tế các đô thị miền núi. Đẩy mạnh thực hiện dự án xử lý chất thải rắn và thoát nước trên địa bàn tỉnh… để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, ngành xây dựng Lạng Sơn đang phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Lạng Sơn thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 62 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng phát triển nâng cấp đô thị thành phố Lạng Sơn phấn đấu đạt đô thị loại II trong năm 2018.
Phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, công nhân viên ngành xây dựng Lạng Sơn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy và khai thác mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý và năng lực cạnh tranh, tăng cường đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại hoá công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả quản lý, không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()