60 năm xây dựng và phát triển
LSO-Trải qua chặng đường 60 năm với bao gian nan, thử thách, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tập thể cán bộ, công nhân viên Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) tỉnh Lạng Sơn cũng luôn phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên và đã gặt hái những thành quả rất đỗi tự hào. Những thành quả ấy đã được các cấp, ngành, Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đó cũng chính là tiền đề vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo.
Phòng Kỹ thuật Công nghệ sản xuất chương trình đang truyền dẫn phát sóng chương trình LSTV lên vệ tinh |
Cách đây 60 năm, sự nghiệp PT-TH tỉnh được khởi đầu từ việc thành lập Đài Truyền thanh tỉnh Lạng Sơn vào năm 1956 với hệ thống máy tăng âm truyền thanh có công suất 600W do Liên Xô viện trợ, ngày 2/9/1956, Đài Truyền thanh tỉnh Lạng Sơn được khánh thành. Hoạt động của mạng lưới truyền thanh với hàng trăm ki–lô–mét đường dây, trên 1.000 loa truyền thanh các loại, trong cả một giai đoạn dài đài đã góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Tháng 12/1978, tỉnh Cao Lạng được tách thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, ngay sau đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã rất tích cực, khẩn trương quan tâm, chỉ đạo và triển khai các công việc chuẩn bị cho thành lập Đài Phát thanh tỉnh. Ngày 12/2/1979, UBND tỉnh có Quyết định số 18UB/QĐ-TC về việc thành lập Đài Phát thanh Lạng Sơn. Tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng những cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đoàn công tác Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Lạng Sơn đã ngày đêm khẩn trương chuẩn bị các công việc để sớm phát sóng các chương trình của đài. Đúng 11 giờ ngày 21/4/1979, từ mảnh đất Chi Lăng lịch sử, trên nền nhạc của bài Bắc Sơn ca hùng tráng, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Lạng Sơn chính thức phát sóng.
Do yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động của mình, chỉ một thời gian ngắn, đội ngũ cán bộ, nhân viên của đài cùng toàn bộ hệ thống phát sóng lưu động phải di chuyển qua nhiều địa điểm. Đến tháng 6/1984 thì chuyển về thị xã Lạng Sơn.
Năm 1987, Trung tâm phát sóng phát thanh được đầu tư xây dựng mới tại đồi Tổ Sơn, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn với quy mô máy phát sóng trung, công suất 10 KW và cột ăng-ten cao 80 m.
Năm 1991, trên cơ sở Đài Phát thanh Lạng Sơn, Đài PT-TH Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 127UB/QĐ-TC ngày 18/3/1991 của UBND tỉnh. Đến tháng 8/1991, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài PT-TH Lạng Sơn được phát sóng trên kênh 9, với máy phát sóng có công suất 150W. Sự kiện này đã đánh dấu sự có mặt của 2 loại hình báo chí PT-TH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là một bước phát triển mới của sự nghiệp PT-TH tỉnh Lạng Sơn.
Trong thời kỳ đổi mới, sự nghiệp PT-TH đã có bước phát triển tiến bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành PT-TH từ đài tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố, bổ sung hiện đại. Năm 1996, Trung tâm phát sóng PT-TH trên đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn với hệ thống máy phát hình 500W, máy phát sóng FM 1KW và cột ăng-ten tự đứng cao 95 m chính thức đưa vào hoạt động. Năm 2002, Trung tâm sản xuất chương trình PT-TH chính thức đưa vào hoạt động. Cùng với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên được tăng cường bổ sung về số lượng, chất lượng đã đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sản xuất và phát sóng các chương trình PT-TH của đài tỉnh. Năm 2004, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) đầu tư hệ thống phát sóng FM 10 KW đặt tại Khu du lịch Mẫu Sơn.
Năm 2006, Đài PT-TH Lạng Sơn được thụ hưởng từ Dự án mở rộng diện phủ sóng phát thanh các chương trình văn hóa-xã hội và các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2006-2010 của Đài TNVN nên được đầu tư hệ thống thiết bị kỹ thuật truyền dẫn phát sóng. Suốt từ đó đến nay, hệ thống được quản lý và khai thác có hiệu quả, hiện tổng số giờ tiếp sóng các chương trình PT-TH của Đài TNVN và Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) đạt gần 100 giờ/ngày. Với hoạt động của toàn hệ thống PT-TH hiện nay đã đảm bảo duy trì diện phủ sóng phát thanh 100% diện tích lãnh thổ, 85% đối với truyền hình.
Về nội dung các chương trình PT-TH của đài đã từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng. Sự ra đời của trang thông tin điện tử (tháng 4/2009) đã đánh dấu bước phát triển mới của đài có đủ 3 loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đài tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển sự nghiệp PT-TH giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh. Để hoàn thành các hạng mục của đề án, Đài PT-TH Lạng Sơn đã tập trung thực hiện lộ trình tăng thời lượng phát sóng từ 4 giờ/ngày năm 2011 lên 18 giờ/ngày năm 2012. Ngày 30/8/2013, Đài PT-TH Lạng Sơn đã phát sóng kênh truyền hình Lạng Sơn trên vệ tinh Vinasat2.
Với nhiệm vụ chính trị được giao, trong những năm qua, Đài PT-TH Lạng Sơn luôn quan tâm đến công tác tiếp và phát sóng thực hiện đúng, đủ quy trình vận hành máy đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phát sóng: Về Phát thanh, máy phát thanh đến nay đã tiếp sóng 3 kênh phát thanh VOV1,VOV2,VOV3 của Đài TNVN; trong đó chương trình đài tỉnh phát 6 giờ/ ngày. Về truyền hình, chương trình VTV1, VTV2, VTV3, VTV6 tiếp sóng 24/24 giờ; kênh truyền hình Lạng Sơn (LSTV) phát sóng trên vệ tinh 18 giờ/ngày (từ 6 giờ 00 phút đến 24 giờ).
60 năm xây dựng và phát triển sự nghiệp PT-TH, hoạt động PT-TH tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của Đài PT-TH tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Đài THVN, Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen. Năm 2000, Đài PT-TH Lạng Sơn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2005 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2013 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Thời gian tới, đội ngũ cán bộ, nhân viên Đài PT-TH tỉnh tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt, làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng các ấn phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng cao.
PHƯƠNG LÂM
Ý kiến ()