60 năm mở đường Hồ Chí Minh trên biển: Chuyện về tàu không số C235
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các cán bộ, chiến sỹ Tàu C235 đã chiến đấu kiên cường và 14 đồng chí đã hy sinh anh dũng để đảm bảo bí mật cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), tuổi trẻ Khánh Hòa đã đẩy mạnh các hoạt động thăm, tặng quà cho người có công, tuyên truyền về những chiến công hào hùng của các cán bộ, chiến sỹ, anh hùng liệt sỹ Tàu không số C235 ở bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa diễn ra năm 1968.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những tuyến đường vận chuyển chiến lược, chi viện cho chiến trường miền Nam.
53 năm trước, đêm 29/2/1968, khi Tàu C235 trên đường vào bến Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa bây giờ) thì bị địch phát hiện, truy kích, bao vây. Thuyền trưởng chỉ huy tàu Nguyễn Phan Vinh (quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã mưu trí, kiên cường chiến đấu, cùng đồng đội thả hàng xuống biển an toàn và kịp thời. Dẫu bị địch phát hiện, các anh vẫn tỉnh táo quyết định kích nổ tàu, không để lại dấu vết.
Lúc này, một số cán bộ, chiến sỹ Tàu C235 đã hy sinh, chỉ còn 9 người lên được bờ, quân địch lại tiếp tục truy đuổi. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chốt chặn, đánh trả quyết liệt và hy sinh để hỗ trợ các đồng chí còn lại rút về núi Hòn Hèo.
Các cán bộ, chiến sỹ Tàu C235 đã chiến đấu kiên cường và 14 đồng chí đã hy sinh anh dũng để đảm bảo bí mật cho tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong số đó, Trung úy, thuyền trưởng Tàu C235 Nguyễn Phan Vinh (1933-1968) đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1970.
Bà Phạm Thị Hường (trú tại phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) – nhân chứng trong sự kiện năm đó làm việc tại bến K67, đóng tại Ninh Vân, chính là người cưu mang, săn sóc 5 chiến sỹ (gồm các anh Nguyễn Duy Phong, Lê Duy Mai, Vũ Long An, Lâm Quang Tuyến, Hà Minh Thật) sống sót thần kỳ sau 13 ngày đêm chống chọi với đói khát nơi núi rừng khô khốc, không nước, chẳng thức ăn.
Kể lại với thế hệ các đoàn viên, thanh niên Khánh Hòa khi đến thăm nhà, bà xúc động nói: “Thời điểm tàu bị phá bỏ, ánh sáng rực đỏ cả bầu trời, chúng tôi ở trên đất liền được giao nhiệm vụ tiếp nhận hàng nhưng khi tàu C235 vào, địch công kích liên tục vào bến, đốt phá cả trạm y tế nên không thể nào ra được. Các đồng đội trực ở bến tứ tán, tránh bị địch phát hiện. Tôi bị lạc 2 ngày đêm trong rừng, không có thức ăn, chỉ uống nước suối để cầm cự, sau đó trên đường trở về và tìm thấy các anh.”
Từ núi Hòn Hèo trở xuống làng, bà Hường cố gắng tìm lương thực để giúp các anh nhưng tất cả đều bị địch phá hủy, bà phải tiếp tục đi tìm và đào củ khoai mài, khoai khai về luộc cho các anh ăn. Lo các anh lạnh và bị muỗi đốt, bà Hường đi nhặt dù pháo sáng của địch may từng cái võng cho các anh nằm.
“Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, lúc chia tay trở về Bắc, các anh còn nắm chặt tay tôi, khóc và nói sẽ lưu giữ những chiếc võng do tôi làm để làm kỷ niệm,” bà Hường rưng rưng nhớ lại.
Cùng với bà Hường, ông Nguyễn Bá Cường (nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Hòa, nay là thị xã Ninh Hòa), chồng của bà Hường, khi đó là y tá Trạm xá Hòn Hèo. Ông Cường kể sau khi được người của bến Hòn Hèo đón, hơn nửa số thành viên Tàu C235 bị thương và đều trong tình trạng kiệt sức nặng.
Khi được đưa đến Trạm xá Hòn Hèo, các anh chỉ còn da bọc xương, hai hốc mắt trũng sâu vì nhịn đói, nhịn khát nhiều ngày. Khi đó, bằng mọi thứ có ở trạm xá, mọi người cố gắng cứu chữa, tẩm bổ để các anh mau lại sức. Sau một thời gian dài chăm sóc, các anh đã khỏe và trở lại miền Bắc công tác.
Cuộc sống thời bình trở lại, nhưng trong tâm trí của vợ chồng ông Cường, bà Hường vẫn đau đáu nhiều trăn trở, vì thế hai vợ chồng ông bà quyết định bỏ tiền xây một nhà thờ trong khuôn viên Đài tưởng niệm phường Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa). Ngày ngày, vợ chồng thắp hương cho các anh, những người đã ngã xuống ở mảnh đất này.
Không những thế, bà Hường đi kêu gọi xã hội hóa các trang vật dụng cho nhà tưởng niệm thêm đẹp. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 1/3, vợ chồng bà Hường tổ chức đám giỗ cho các anh ngay tại xã Ninh Vân – nơi xảy ra trận chiến lịch sử của Tàu C235 năm ấy.
Đến thăm gia đình ông Hà Duy Y (sinh năm 1939), xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa – người có công trong sự kiện Tàu C235, cán bộ, đoàn viên thanh niên Khánh Hòa còn được ông kể thêm về câu chuyện đi tìm và hỗ trợ đưa 3 thủy thủ của Tàu C235 về trạm xá để điều trị.
Do tuổi cao nên ông chỉ kể được những dữ kiện lớn: Năm 1968, ông được phân công làm tổ trưởng trực tuần tra hướng Tây Bắc, từ Ninh Yển-Ninh Tịnh đến Ninh Vân, để làm nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ Tàu C235. Tuy nhiên, do tàu C235 bị địch phát hiện nên ta chủ trương hủy tàu, do đó ông cũng theo tình hình thực tế, đi theo phán đoán và dựa theo dấu chân trên đường để tìm những người còn sống sau khi hủy tàu.
Anh Bùi Hoài Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa cho biết Tỉnh đoàn triển khai nhiều hoạt động hướng đến 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang diễn ra khá phức tạp, Tỉnh đoàn đã chủ động sử dụng các kênh thông tin tuyên truyền, đặc biệt là mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên ôn lại sự kiện lịch sử này và tri ân những cống hiến, sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông.
Năm 2014, Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) tại bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia. Đây là địa chỉ đỏ ý nghĩa để giáo dục lý tưởng sống, lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ./.
Ý kiến ()