tle=”60 năm cuộc vượt ngục Côn Đảo – bản hùng ca về khí tiết cách mạng”> – Sáng 12-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo đã tổ chức Hội thảo khoa học về sự kiện các chiến sĩ cách mạng tổ chức vượt Côn Đảo nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện (12-12-1952_12-12-2012). Tới dự Hội thảo đại diện các bộ, ban, ngành của Trung ương, Hà Nội, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Côn Đảo, các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử trong nước và các cựu tù chính trị Côn Đảo qua các thời kỳ.
Ngày 12-12-1952, dưới sự lãnh đạo của Đảo ủy Côn Đảo, các chiến sĩ cách mạng là những tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm, đầy đọa tại nhà ngục này đã thực hiện kế hoạch nổi dậy, cướp vũ khí địch và tổ chức vượt ngục. Mặc dù kế hoạch không thành công, gây tổn thất lớn (198 người tham gia nổi dậy vượt đảo đêm ấy, có 81 hy sinh, 117 chiến sĩ bị bắt lại) nhưng sự kiện đã để lại ấn tượng, ý nghĩa sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí tiết kiên trung, bất khuất của những người cộng sản.
Do đó, Hội thảo này chính là dịp để các cựu tù chính trị Côn Đảo trong đó có một số nhân chứng sống trực tiếp tham gia sự kiện cùng các nhà khoa học lịch sử và những người quan tâm đến sự kiện tiếp tục trao đổi, làm sáng rõ hơn nữa ý nghĩa sâu sắc, giá trị to lớn của cuộc nổi dậy và vượt Côn Đảo, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, những giá trị tinh thần quý giá của sự kiện, tiếp tục phát huy trong điều kiện xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, ông Đoàn Duy Thành – Trưởng ban liên lạc cựu tù Côn Đảo tại Hà Nội cho rằng, khoảng thời gian 60 năm đủ để đánh giá một sự kiện lịch sử bi hung, rút ra những kinh nghiệm chiến đấu bảo vệ hải đảo của Việt Nam ở biển Đông, nêu một tấm gương bất khuất cho đời sau, dù khó khăn đến đâu cũng phải giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc.
Là một nhân chứng của sự kiện, ông Đoàn Duy Thành mong muốn Côn Đảo được quy hoạch toàn diện để trở thành một điểm du lịch đặc biệt về văn hóa tâm linh của đất nước; có chương trình nghiên cứu về kinh nghiệm chiến đấu, bảo vệ các đảo ở biển Đông, làm cơ sở cho việc chuẩn bị xây dựng một hạm đội mang tên Côn Đảo để liên kết thành một vành đai bảo vệ tổ quốc ở phía biển Đông Thái Bình Dương. Ông cũng đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho tập thể cựu tù chính trị trong trận chiến đấu giải phóng Côn Đảo và cá nhân ông Lê Văn Hiến, Bí thư Đảo ủy; dựng đài kỉ niệm vượt ngục Côn Đảo tại Đảo và xây mộ cho 73 liệt sĩ.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Thế Duyệt cũng kiến nghị về việc quy hoạch, tôn tạo để bảo tồn sự tích anh hùng của các chiến sĩ tại nhà tù Côn Đảo, để hòn đảo này mãi mãi là nơi các thế hệ Việt Nam và nhân dân thế giới đến tham quan, du lịch, tìm hiểu về truyền thống cách mạng và con người Việt Nam anh hùng. Với ông, Côn Đảo là biểu tượng niềm tự hào của nước ta vì cũng từ nơi đây, nhiều chiến sĩ đã trưởng thành và sau này trở thành lớp lãnh đạo tiền bối, thành Tổng bí thư và lãnh đạo của Đảng ta, đưa đất nước ta thoát khỏi cảnh bị Pháp đô hộ, bị đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Nhân sự kiện 60 năm cuộc vượt ngục, thay mặt toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Nội đồng chí Nguyễn Công Soái – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã bày tỏ sự khâm phục và biết ơn sâu sắc các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã dâng hiến cả cuộc đời, tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các tham luận tại hội thảo đã giúp mọi người thêm rõ hơn về ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của các chiến sỹ cách mạng nơi địa ngục trần gian, về phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng nơi địa ngục trần gian, sẵn sàng hy sinh tính mạng của bản thân để đồng chí đồng đội có thể trở về với Dân, với Đảng tiếp tục cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, giải phóng đất nước.
Trong công cuộc xây dựng thủ đô và đất nước, những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần tiến công cách mạng, ý chí kiên cường, tấm gương bất khuất, trung dũng của các chiến sĩ cựu tù Côn Đảo sẽ tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ đảng viên và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thủ dô và đất nước.
* Tại cuộc hội thảo, đoàn các hoa hậu và người đẹp các dân tộc Việt Nam, thay mặt thế hệ trẻ lên cảm ơn những thế hệ trẻ đi trước đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và đã trao tặng Ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo Hà Nội bức tranh đá quý “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()