6 tháng: Phát hiện 58 văn bản trái pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.443 văn bản, bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (22 văn bản của Bộ, 36 văn bản địa phương). Bộ đã thông báo kiểm tra đối với 54 văn bản, còn 4 văn bản được cơ quan ban hành văn bản tiếp thu, tự xử lý sau khi Bộ Tư pháp tổ chức họp và trao đổi về các nội dung trái pháp luật. Đến nay, 9 văn bản đã được xử lý, 16 văn bản đã có hướng xử lý; 33 văn bản đang xử lý.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thông tin tại cuộc họp báo. (Ảnh: TH).
Liên quan đến việc lùi thi hành Bộ luật Hình sự 2015, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp có phần trách nhiệm. “Còn trách nhiệm thế nào, quy trách nhiệm cho ai, xử lý thế nào phải chờ chỉ đạo của các cơ quan cấp trên”, Thứ trưởng nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự – Hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết thêm, đối với những sai sót của Bộ luật Hình sự thì sẽ phải sửa. Còn những quy định có lợi cho các đối tượng phạm tội vẫn tiếp tục áp dụng, nhằm bảo đảm quyền con người quyền công dân, áp dụng hình sự chỉ là biện pháp cuối cùng khi các biện pháp dân sự, hành chính không áp dụng được.
Trước băn khoăn của báo chí về hướng xử lý hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hành nghề “chui” ở Đà Nẵng, ông Lê Thanh Bình, Cục phó Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, vừa qua, các cơ quan quản lý về du lịch đã có động thái quyết liệt, đề nghị cơ quan chức năng rà soát ở địa phương để có biện pháp tổng thể.
Theo ông Bình, hành vi này vi phạm Luật Du lịch, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Cụ thể, tại khoản 6 Điểu 44 Nghị định quy định: “Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam”.
Về việc xem xét thu hồi chứng chỉ luật sư của cựu điều tra viên Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên chính vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, Luật Luật sư quy định rất rõ cơ sở pháp lý đối với việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Sau vụ việc của ông Nén, Cục đã gửi văn bản tới Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Bắc xác minh thời gian công tác cũng như hành vi, thông tin hồ sơ lý lịch liên quan đến ông Cao Văn Hùng.
“Ngay khi có cơ sở theo đúng quy định của Luật Luật sư, nếu đủ điều kiện và cơ sở pháp lý, chúng tôi sẽ xử lý và thông báo công khai”, bà Mai nói.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng lưu ý: “Đây là vụ việc cơ quan báo chí quan tâm, phải làm sao càng sớm càng tốt, họp báo quý 3 phải có kết quả rõ ràng, chứ không nên để lâu quá”.
Tính đến ngày 30/6, đối với 169 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và các luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ cơ quan ngang bộ đã ban hành được 73/169 văn bản (41 nghị định, quyết định; 28 thông tư và 4 thông tư liên tịch), đạt 43,19%. Còn 96/169 văn bản (10 nghị định, quyết định; 74 thông tư. 6 thông tư liên tịch giữa các Bộ và 6 liên tịch giữa bộ với ngành) chưa được ban hành. |
Ý kiến ()