Về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy của các địa phương, trong tháng 3-2016, cả nước có tổng số 101.633 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân trên 1.000km là 0,073 lần/1.000km. Tính lũy kế đến 31-3-2016 trên cả nước có tổng số 952.069 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân trên 1.000km là 0,29 lần/1.000km.
Trong 595 xe ô-tô bị xử lý đã thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn một tháng là 466 xe; thu hồi giấy phép kinh doanh là hai đơn vị và từ chối cấp phù hiệu là 127 xe. Trong đó, có 19/63 địa phương có báo cáo kết quả xử lý thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác hoặc từ chối cấp phù hiệu; 11/63 địa phương có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh và phê bình, cảnh cáo và 33/63 địa phương còn lại chưa có báo cáo. Như vậy, tính lũy kế đến hết tháng 3-2016, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý vi phạm đối với 1.191 phương tiện.
Nhằm đảm bảo mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là các tai nạn nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15-4-2015. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đôn đốc, chấn chỉnh đối với các phương tiện không truyền dữ liệu. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải phải có biện pháp và liên hệ ngay với đơn vị cung cấp thiết bị để khắc phục và truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương về lộ trình cấp Giấy phép kinh doanh vận tải, gắn phù hiệu và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-7-2016 đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014.
Ý kiến ()