55 năm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch (1969-2024): Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Trải qua 55 năm (1969-2024), nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “địa chỉ thiêng liêng” hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong 10 di tích đầu tiên của cả nước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt (đợt 1, năm 2009). Qua bao năm tháng, tất cả di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi này vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc.
Hội tụ sâu sắc những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Phủ Chủ tịch Hà Nội tại Thủ đô Hà Nội là nơi Bác gắn bó lâu nhất - 15 năm cuối cùng trong hành trình trọn vẹn vì nước, vì dân (19/12/1954-2/9/1969). Trong 15 năm đó, Người đã cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn cho cách mạng Việt Nam; lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền nam, tiến tới thống nhất đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập, dân tộc, dân chủ, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Từ ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch. Các thế hệ cán bộ vẫn ngày đêm cần mẫn giữ gìn, bảo quản tốt nhất các di tích và hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch. Cửa vẫn mở, đồng hồ vẫn chạy, đồ đạc vẫn được sắp đặt ngay ngắn, hằng ngày đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế vào thăm.
Quần thể Khu Di tích tại Phủ Chủ tịch bao gồm 13 nhà di tích; 1.738 tài liệu, hiện vật; 7 di tích ngoài trời, 50 cây di tích Bác đã trồng và chăm sóc. Nhà sàn Bác Hồ mang tính biểu tượng quốc gia, dân tộc, biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế, đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè thế giới.
Trải qua 55 năm, Khu Di tích thực hiện hiệu quả song song hai nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tin tưởng giao phó: Bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch; phát huy hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch. Khuôn viên bình dị, thân quen, gần gũi thiên nhiên, những công trình kiến trúc quy mô không lớn, những hiện vật được trân trọng nâng niu, tất cả đều gắn với những câu chuyện cảm động và nhân văn về một giai đoạn lịch sử, lan tỏa ý nghĩa sâu sắc về phẩm chất trí tuệ, tư tưởng, phong cách cao đẹp của Người.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành một “trường ký ức lịch sử-văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, và trường tồn, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “tư tưởng Hồ Chí Minh, chất đạo đức trong Hồ Chí Minh là những giá trị vĩnh hằng của con người, con người ở Việt Nam cũng như ở mọi nơi trên thế giới, con người thời nay cũng như thời xưa; và người ta còn bày tỏ niềm tin rằng những giá trị đó sẽ được các thế hệ mai sau trân trọng, kế thừa và phát triển”(1).
Lan tỏa và kết nối tình cảm của đồng chí, đồng bào, bạn bè thế giới
Trong thời gian đầu, khi chưa mở cửa chính thức, Khu Di tích đã đón tiếp một số đoàn khách đặc biệt. Đó là những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu và học tập. Đặc biệt, các đơn vị bộ đội trước ngày lên đường vào nam chiến đấu đều được vào thăm nơi Bác sống và làm việc, để hiểu sâu sắc hơn tình cảm của Bác đối với đồng bào miền nam, cảm nhận rõ hơn quyết tâm chiến đấu giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, trong mong ước của Người. Bao năm qua, khi đến thăm Khu Di tích, mỗi người Việt Nam đều gặp nhau trong tình cảm, nhận thức rằng cuộc đời cao đẹp của Người đời đời song hành cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trái tim nhân loại. Mỗi người đến đây đều có chung cảm nhận và thêm kính yêu Người, đồng thời tự chiêm nghiệm những điều tốt đẹp, những giá trị tinh thần và những mục tiêu khao khát vươn tới. Với tình cảm sâu nặng đã đi vào tiềm thức của cả dân tộc thì niềm mong mỏi được đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch dường như trở thành một nhu cầu tự nhiên, biểu hiện sinh động của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Đúng vào kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1975, khi miền nam đã hoàn toàn giải phóng, Khu Di tích chính thức được mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Nhiệm vụ chính trị đối với Khu Di tích là đáp ứng tốt nhất tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
55 năm qua, Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch đón gần 90 triệu lượt người từ khắp mọi vùng đất trên lãnh thổ Việt Nam và từ khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với nhân dân Việt Nam, bạn bè thế giới ở khắp các châu lục đã hội tụ về Khu Di tích để bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng Người. Những dòng cảm xúc đều chung niềm ngợi ca Người chiến sĩ cộng sản quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Nhà thơ Rơnê de Pêtơrô (Haiti) đã viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thật sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý ở đâu, ở đâu có mùa xuân, xin hãy đến thăm Việt Nam, thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Frans Timmermans đã ghi lại cảm xúc: “Thật khó có thể tin là tôi lại được ngồi đây cạnh chiếc bàn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ngồi. Nơi này thực sự truyền cảm hứng vì nó phản ánh sự khiêm tốn và những cống hiến không mệt mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho dân tộc Việt Nam và tương lai của đất nước mình”(2).
Trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Khu Di tích thường đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Khu Di tích đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương và Hà Nội xây dựng chuỗi chương trình sinh hoạt chính trị để lan tỏa ý nghĩa của “địa chỉ đỏ”, “địa chỉ thiêng liêng” cùng các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, Khu Di tích tích cực nghiên cứu thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm. Website của Khu Di tích được nâng cấp với nội dung phong phú, giao diện hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và tăng khả năng tương tác với công chúng. Giai đoạn 2018-2023, Khu Di tích đã tổ chức và phối hợp tổ chức gần 60 triển lãm, trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước và quốc tế; xuất bản, tái bản gần 50 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích; cán bộ khoa học đã viết khoảng 800 bài tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và về Khu Di tích.
Với những đóng góp lớn và đáng tự hào, Khu Di tích đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua các năm cùng nhiều danh hiệu cao quý khác ■
Ý kiến ()