521 ca ghép tạng được thực hiện trong năm 2019
Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát biểu tại hội nghị.
Sáng 8-11, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Hội Ghép tạng Việt Nam tổ chức “Hội nghị khoa học ghép tạng Việt Nam lần thứ VI năm 2019” nhằm cập nhật, chia sẻ các kỹ thuật mới trong lĩnh vực ghép tạng. Hội nghị đã quy tụ được các nhà khoa học đến từ Hội Ghép tạng thế giới, các chuyên gia đến từ Mỹ, Australia, cùng các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong nước và hơn 1.000 đại biểu là các phẫu thuật viên, y, bác sĩ đến từ các bệnh viện quân, dân y trong toàn quốc.
Với gần 120 báo cáo trong đó có 10 báo cáo quốc tế (Mỹ, Hàn Quốc, Australia) và hơn 110 báo cáo trong nước được chia thành các phiên khoa học tập trung chuyên sâu về các lĩnh vực riêng như: ghép tim, ghép thận, ghép tạng nhi, ghép gan … mang hàm lượng khoa học cao sẽ giúp nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tạng. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học chia sẻ những kinh nghiệm, cập nhật những tiến bộ về miễn dịch ghép tạng, chia sẻ kinh nghiệm thuốc miễn dịch, vấn đề chăm sóc và điều trị sau ghép tạng, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.
GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, ghép tạng là một trong 10 thành tựu y học của nhân loại trong thế kỷ 20. Số ca ghép tăng nhanh trong bốn năm gần đây, số ghép năm sau nhiều hơn năm trước hơn 100 ca. Số người hiến tạng chết năm 2018 là 17 người và trong năm 2019 (tính đến tháng 8) là 14 người. Tuy nhiên, GS Khánh băn khoăn, vấn đề quan tâm trong ghép tạng hiện nay là quản lý bệnh nhân sau ghép để kéo dài thời gian sống sau ghép, giải quyết khan hiếm tạng, chống buôn bán tạng, hỗ trợ tài chính cho ghép và quản lý số liệu ghép.
Theo Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mặc dù khởi đầu chậm 27 năm so với quốc tế trong lĩnh vực ghép tạng nhưng đến nay Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Theo số liệu thống kê, tính đến 31-8-2019 cả nước đã thực hiện được khoảng hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là gần 4.000 ca, ghép tủy gần 600 ca, còn lại là ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là 521 ca.
Hiện nay, Việt Nam đang dần làm chủ được kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng và đây cũng là “thời điểm vàng” cho lĩnh vực ghép tạng. Tuy nhiên, ngành ghép tạng Việt Nam cũng đang đứng trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn mô tạng để cấy ghép. Đến tháng 8-2019, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn mới chỉ khoảng 223 trường hợp. Do số lượng cung không đáp ứng đủ nhu cầu nên rất nhiều người bệnh đã phải sang Trung Quốc, Singapore và một số quốc gia khác để tiến hành ghép gan, thận…
Sau hơn ba năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ghép mô và bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công 42 ca ghép thận, 14 ca ghép gan (13 ca từ người cho sống, trong đó có một ca ghép cấp cứu một ca lấy từ người cho chết não), 17 ca ghép giác mạc, 60 ca ghép tế bào gốc điều trị xơ gan, một ca ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại và 14 ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. Chức năng các tạng sau ghép tốt, kéo dài thời gian sống, chất lượng sống cho bệnh nhân, mang lại nhiều giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc.
Đặc biệt, ngày 26-2-2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời đây cũng là ca ghép đa tạng xuyên việt lịch sử. Đây được đánh giá là thành tích đặc biệt xuất sắc của các nhà khoa học của bệnh viện, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về trình độ kỹ thuật và năng lực chuyên môn của các y, bác sĩ bệnh viện.
Trung tướng Mai Hồng Bàng cho biết, mục tiêu, đến năm 2020 và những năm tiếp theo, bệnh viện sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người với trình độ ngang tầm một số nước có nền y học phát triển trong khu vực như ghép được chi thể, ruột, mặt, tử cung…, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bộ đội và nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()