50 năm Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong giờ học chụp ảnh. |
Khi mới thành lập, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chỉ là một cơ sở đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, tuyên truyền, huấn học phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Sau một thời gian ngắn nỗ lực phấn đấu để khẳng định vị trí, chức năng của mình, trường đã nhanh chóng thực hiện đào tạo đại học chính quy. Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, bên cạnh việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, các lớp đào tạo cơ bản để đáp ứng nhu cầu và nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, nhà trường bắt đầu đào tạo bậc đại học tám chuyên ngành: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng, Báo chí, Xuất bản, Tuyên truyền. Tháng 11-1990 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký quyết định số 406-HĐBT công nhận Trường Tuyên huấn Trung ương là trường đại học với chức năng, nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng ở trình độ đại học các giảng viên lý luận chính trị của các trường Đảng và đoàn thể, phóng viên các báo, tạp chí chủ yếu của các cấp ủy Đảng, đoàn thể ở trung ương và địa phương. Bồi dưỡng lý luận, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiệp vụ công tác cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng và văn hóa các cấp”. Từ đó, trong hệ thống trường Đảng có một trường đại học thực hiện quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trong 50 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 60 nghìn cán bộ lý luận, tư tưởng, trong đó có hàng nghìn cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở hệ thống các trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo của các tổ chức chính trị – xã hội và hàng nghìn phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý ở các nhà xuất bản, các cơ quan báo chí, tạp chí trong cả nước. Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi… Và cũng không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các lĩnh vực khác nhau của công tác tư tưởng – văn hóa; đặc biệt, có những người hiện đang giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó.
Sinh viên của Học viện, sau khi ra trường, phần lớn đã nhanh chóng được nhận vào làm việc đúng ngành nghề ở nhiều cơ quan khác nhau của hệ thống chính trị nước nhà và phát huy tốt khả năng chuyên môn đã được đào tạo. Không ít người đã trở thành gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực công tác của mình, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.
Học viện đã đào tạo 225 sinh viên, 11 thạc sĩ, một nghiên cứu sinh và bồi dưỡng hàng trăm cán bộ tuyên giáo, cán bộ báo chí cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; 28 sinh viên, ba học viên cao học cho Trung Quốc; bồi dưỡng tiếng Việt cho 112 tình nguyện viên Hàn Quốc. Đây là bằng chứng sống động về uy tín cũng như phạm vi ảnh hưởng của Học viện trong khu vực và trên thế giới.
Hoạt động đào tạo của Học viện không tách rời hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong 50 năm qua, Học viện đã triển khai nghiên cứu 1.289 đề tài khoa học các cấp, gồm sáu đề tài cấp nhà nước, 90 đề tài cấp bộ, 1.193 đề tài cấp cơ sở; biên soạn mới 272 tập đề cương bài giảng, 279 giáo trình lưu hành nội bộ, xuất bản 298 cuốn sách là giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo. Xét theo mục tiêu nghiên cứu, các đề tài có thể chia thành một số nhóm chính sau:
– Nhóm đề tài nghiên cứu các vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các vấn đề về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
– Nhóm đề tài tổng kết thực tiễn các mặt hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, nhằm xây dựng căn cứ để hoạch định chính sách phát triển Học viện.
– Nhóm đề tài phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tạo của nhà trường, gồm giáo trình, đề cương bài giảng. Đây là hướng nghiên cứu được ưu tiên hàng đầu của Học viện.
– Nhóm đề tài khoa học của sinh viên. Những đề tài này, một mặt, củng cố và trau dồi tri thức, mặt khác, góp phần phát triển tư duy khoa học và rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
Các thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là minh chứng rõ nét về sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực khoa học ở đây. Hiện nhà trường có gần 400 cán bộ, trong đó cán bộ giảng dạy, nghiên cứu có gần 280 người với 22 giáo sư, phó giáo sư, hơn 70 tiến sĩ và hơn 120 thạc sĩ. Cùng với sự phát triển chung của nhà trường, đội ngũ cán bộ khoa học ngày càng được trẻ hóa. Nhiều người không chỉ có trình độ chuyên môn giỏi mà còn thành thạo ngoại ngữ, tin học, có thể làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài.
Hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện phát triển nhanh chóng không chỉ về chiều rộng mà cả về chiều sâu. Hiện tại, nhà trường đang có quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 20 trường đại học, viện nghiên cứu của 15 nước trên thế giới. Học viện đã gửi một số lượng đáng kể cán bộ trẻ đi đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ, tại các cơ sở đào tạo có uy tín của Ô-xtrây-li-a, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Đức. Nhiều hội thảo khoa học quốc tế có sự phối hợp và tài trợ về kinh phí của các tổ chức quốc tế đã được tổ chức thành công. Nhiều nhà khoa học có tên tuổi của các trường đại học lớn trên thế giới đã tới Học viện thỉnh giảng. Một số cán bộ giảng dạy của nhà trường đã được mời đến thỉnh giảng và tham dự Hội thảo khoa học tại Thụy Điển, Đức, Trung Quốc. Đặc biệt, từ năm học 2008 – 2009, Học viện đã bắt đầu tiến hành chương trình đào tạo liên thông với Đại học Truyền thông Trung Quốc, theo đó, sinh viên Trung Quốc học hai năm đầu ở Đại học Truyền thông Trung Quốc sau đó học hai năm cuối và nhận bằng tốt nghiệp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Và trong thời điểm này, Học viện đang triển khai hình thức hợp tác tương tự với một số trường đại học của Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân.
Với những thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo cán bộ lý luận chính trị và báo chí – truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Phát huy truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vững tin bước tới tương lai, tiếp tục cống hiến và phấn đấu chinh phục những tầm cao mới, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ý kiến ()