50 năm hai công ước về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện tại Việt Nam
Ngày 5/1 tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm hai công ước về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện tại Việt Nam (1966 – 2016)".
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Tất Giáp, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cách đây 50 năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu chính thức thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights – ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Convenant on Economic, Social and Cultural Rights – ICESCR).
Việc thông qua các văn kiện quan trọng trên xuất phát từ các quy định, nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, bảo vệ quyền và các tự do cơ bản của con người như đã nêu trong bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, kết thúc nỗ lực bền bỉ đấu tranh, thương lượng giữa các nhóm quốc gia thành viên Liên hợp quốc, chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài về giá trị pháp lý của hai nhóm quyền (quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội và văn hóa); đồng thời, mở ra cơ hội mới cho các quốc gia trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người.
Hội thảo khoa học “50 năm hai công ước về quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và việc thực hiện tại Việt Nam”
Hiện, hai công ước trên cùng với bản Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 được cộng đồng quốc tế xác định là Bộ luật quốc tế về quyền con người – nền tảng của ngành luật quốc tế về quyền con người.
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế nêu trong hai công ước, trong điều kiện vô vàn khó khăn, do phải khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đã sớm gia nhập cùng lúc hai công ước trên vào ngày 24/9/1982 và chỉ bảo lưu một điều xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa hai quốc gia.
Từ khi tham gia ICCPR và ICESR, Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong bảo đảm thực hiện các quyền trong hai công ước trên cả phương diện lý luận và thực thi trong thực tiễn; tích cực thực hiện nghĩa vụ của mình trước cộng đồng quốc tế.
Hơn 30 năm thực hiện các cam kết của mình đối với Công ước, các thành viên của Ủy ban quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã chúc mừng Việt Nam về thành tựu đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, công bằng và không phân biệt đối xử với người dân trên các vùng miền; gợi mở nhiều nội dung để Việt Nam xem xét tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng chính sách, chương trình của quốc gia nhằm vượt qua thách thức, đảm bảo chất lượng và hiệu quả thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Với 25 tham luận, Hội thảo là dịp ôn lại chặng đường 50 năm Công ước ra đời và 30 năm Việt Nam gia nhập, thực hiện Công ước; đánh giá những mặt được, những hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện Công ước.
Các ý kiến thống nhất rằng, vấn đề quan trọng và cần thiết hiện nay để nâng cao hiệu quả thực hiện các cam kết quốc tế là cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng về quyền con người được thể hiện nhất quán và sâu sắc trong cương lĩnh chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt vận dụng, quán triệt các quan điểm mới về quyền con người của Đại hội XII.
Thời gian tới, cần cụ thể hóa các nguyên tắc, quy phạm của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân trong thực tiễn đời sống xã hội; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, trong đó chú trọng xây dựng tòa án thực sự là chỗ dựa vững chắc trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể quần chúng trong giám sát, phản biện xã hội; tăng cường công tác thông tin, nhất là thông tin đối ngoại về quyền con người; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức xã hội trong thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()