50 năm, "gió Đại Phong" vẫn thổi
Sau năm mười năm, tinh thần Gió Đại Phong vẫn là nguồn động lực trong sự nghiệp đội mới ở vùng đất giàu truyền thống này Ngày 1-5-1962, HTX Đại Phong (xã Phong Thủy huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình) được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ trao tặng Lá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc. Trong suốt nửa thế kỷ qua, vượt qua bao khó khăn, thử thách, người dân Đại Phong luôn phất cao “Lá cờ đầu” tiếp tục lập nên những kỳ tích mới…Tại buổi kỷ niệm 50 năm HTX Đại Phong lá cờ đầu nông nghiệp toàn miền Bắc XHCN ngày 1-5, chúng tôi gặp lại một trong những người làm nên thời kỳ “vàng son” đó, ông Đặng Ngọc Đính, 84 tuổi- nguyên Chủ nhiệm HTX Đại Phong. Ông kể, HTX Đại Phong được thành lập cuối năm 1959 thì mùa đông năm 1960 được vinh dự đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, về kiểm tra và nghiên cứu tình hình sản xuất của HTX.Đi trong giá lạnh, Đại tướng đến từng nhà ân cần hỏi thăm từng gia đình, xem hộ nào...
Sau năm mười năm, tinh thần Gió Đại Phong vẫn là nguồn động lực trong sự nghiệp đội mới ở vùng đất giàu truyền thống này |
Tại buổi kỷ niệm 50 năm HTX Đại Phong lá cờ đầu nông nghiệp toàn miền Bắc XHCN ngày 1-5, chúng tôi gặp lại một trong những người làm nên thời kỳ “vàng son” đó, ông Đặng Ngọc Đính, 84 tuổi- nguyên Chủ nhiệm HTX Đại Phong. Ông kể, HTX Đại Phong được thành lập cuối năm 1959 thì mùa đông năm 1960 được vinh dự đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, về kiểm tra và nghiên cứu tình hình sản xuất của HTX.
Đi trong giá lạnh, Đại tướng đến từng nhà ân cần hỏi thăm từng gia đình, xem hộ nào còn đói, rét. Đại tướng hỏi ý kiến xã viên về cung cách làm ăn mới của HTX. Ông ra đồng rồi cùng xuống cấy với các mẹ, các chị nông dân, vừa cấy lúa vừa hỏi han mọi người. Hình ảnh vị tướng trận mạc rất gần gũi và gắn bó với nông dân Đại Phong. Họ coi ông là ân nhân của mình.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn dặn, Đảng với dân là một, đoàn kết trong một khối thống nhất. Làm ăn phải làm sao đó có cái nhìn lâu dài, phải mở rộng các ngành nghề như: nghề mộc, đóng gạch… Tập hợp cho được HTX mua bán để mua lại cho xã viên, bán lại cho xã viên.
Những bài học từ Đại Phong ngày ấy đã được ông viết thành sách. Đó là kinh nghiệm về quản lý về sản xuất, lao động, tài vụ và dựa trên ba nguyên tắc là: tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Không phải là quê hương, nhưng với gia đình Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cái tên Đại Phong đã gắn bó gần như máu thịt. Đại Phong là nơi người cha thân yêu của ông đã dồn hết tâm lực của một người cộng sản để góp phần làm nên một phong trào lưu giữ trong sử sách và trong lòng người.
Gian phòng lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được bố trí trang trọng và thiêng liêng trên tầng hai trụ sở HTX Đại Phong với rất nhiều kỷ vật, tư liệu gắn bó với Đại tướng, với HTX lá cờ đầu Đại Phong.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX Đại Phong nói: “Bác Thanh là ân nhân của người dân Đại Phong. Khi bác Thanh mất, Đại Phong làm lễ truy điệu. Cả làng ai cũng khóc. Sau này con cháu Đại Phong vẫn thờ bác như người thân của mình”.
Từ kinh nghiệm của Đại Phong, một phong trào thi đua đã được dấy lên trên toàn miền Bắc XHCN. Phong trào “Gió Đại Phong” đã đi vào lịch sử, trở thành một biểu tượng, thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên toàn miền Bắc những năm sáu mươi và mãi đến sau này.
Cảm phục trước cách làm của Đại Phong, Bác Hồ với bút danh Trần Lực đã viết hai bài nêu gương HTX đăng trên Báo Nhân Dân. Trên số báo ra ngày 15-4-1961, Bác Hồ viết: “Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta…”.
Ngày 20-3-1961, Bác Hồ gửi tặng HTX Đại Phong chiếc máy kéo DT54, do Đoàn thành niên cộng sản Côm-xô-môn Lê Nin gửi tặng Bác. Niềm vinh dự lớn lao đó luôn nhắc nhở bà con xã viên Đại Phong luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, đưa HTX tiếp tục tiến lên.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, HTX Đại Phong đã làm trọn nhiệm vụ của hậu phương “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…góp sức cùng cả nước đánh thắng quân xâm lược, non sông thu về một mối.
Sau chiến tranh, nhân dân Đại Phong bắt tay vào dựng xây quê hương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, những tiền đề ban đầu, những nét mới mang tính đột phá trong tổ chức sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện trên vùng quê giàu truyền thống này.
Đặc biệt khi làn gió đổi mới lan rộng, sức mạnh vật chất, tinh thần tiềm tàng trong từng làng quê, trong từng người dân đã được đánh thức, Đại Phong một lần nữa khẳng định tầm vóc của mình.
Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Hoàng cho biết, hướng đi đã được HTX xác định là thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, lấy hiệu quả và giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích làm thước đo.
Để thực hiện chủ trương đó, HTX Đại Phong đã tập trung chỉ đạo, tạo sự đột phá ở khâu trọng yếu là kiện toàn, củng cố bộ máy quản lý theo hướng trẻ hoá, có trình độ và năng lực quản lý, tinh giản từ 40 người xuống còn 18 người; đồng thời đổi mới nội dung hoạt động hướng đến nâng cao chất lượng và hạ giá thành các khâu dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm chỗ dựa tin cậy cho xã viên.
Đời sống người dân được cải thiện đáng kể, hộ giàu chiếm tỷ lệ 25%, hộ khá 45% và hộ nghèo chỉ còn 5%. Ở Đại Phong, HTX là “bà đỡ” cho xã viên, xã viên tin ở những cán bộ lãnh đạo gần gũi nhất của họ là ban quản trị HTX. Tất cả tạo thành khối thống nhất, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của HTX và sự ấm no của xã viên.
Năm mươi năm, “Gió Đại Phong” vẫn thổi như và có sức lan tỏa đến những miền quê khác ở miền cát trắng Quảng Bình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()