50 năm Đại thắng mùa xuân 1975: Những đòn đánh quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên-Bài 3: Vượt núi, băng rừng truy kích địch (Tiếp theo và hết)
Buôn Ma Thuột thất thủ, Sư đoàn 23 ngụy bị ta tiến công dữ dội, thiệt hại nặng. Trước tình thế khó cứu vãn, Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn quyết định rút toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên theo Đường 7 về giữ đồng bằng duyên hải Trung Bộ.
Từ thực tế diễn biến trên chiến trường, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã dự kiến đúng tình huống địch rút chạy khỏi Tây Nguyên và chỉ thị cho Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên tập trung lực lượng mở cuộc truy kích lớn đánh tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy. Trận chiến thần tốc ấy được những người trong cuộc lý giải, tái hiện rõ.
Phải diệt địch ngay trên chiến trường Tây Nguyên
Theo sát diễn biến của chiến trường, sau khi quân ta đánh địch phản kích thắng lợi, Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917-2002) lúc đó là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nhận định: “Thời cơ lớn bắt đầu... Muốn nắm chắc thời cơ, trước mắt phải tiêu diệt bằng được quân địch rút chạy, phải diệt chúng ngay trên chiến trường Tây Nguyên, không để chúng thoát về đồng bằng. Phải diệt cho nhanh, cho gọn để thúc đẩy sớm quá trình chuyển biến cục diện chiến tranh”.
Từ nhận định trên, ngày 15-3-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng gọi điện trực tiếp cho Bộ tư lệnh Chiến dịch: “Địch có khả năng rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku”.

Ngay sau khi ta giải phóng Buôn Ma Thuột (ngày 11-3-1975), các tuyến đường 14, 19, 21 xuống đồng bằng bị chặn cắt, ngụy quân quyết định triệt thoái toàn bộ lực lượng còn lại ở Bắc Tây Nguyên. Đường 7 chạy dọc theo sông Ba từ Phú Bổn về Phú Yên là con đường duy nhất. Ngày 15-3-1975, địch rải quân chốt bảo vệ và sửa chữa Đường 7, chúng “bài binh bố trận” để thực hiện cuộc rút lui bí mật. Trước đó, đêm 14, rạng ngày 15-3, Sư đoàn 6 không quân địch liên tục chở quân và gia đình về Nha Trang.
Trên đường phố thị xã Kon Tum và Pleiku, xe nhà binh chạy hỗn loạn, hàng loạt đồn, bốt, công sở bốc cháy ngùn ngụt. Một số dân chúng đã biết cuộc “bỏ của chạy lấy người” của Quân đoàn 2 ngụy nên cũng vội vã chạy theo. Đường 14 Nam thị xã Kon Tum, Nam thị xã Pleiku đến ngã ba Mỹ Thạch chật ních người và xe cộ các loại.
Theo Đại tá Khuất Duy Hoan, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 3, từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên trong đội hình Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320): Để rút quân bí mật, địch tổ chức thành 3 khối, trong đó đi ở giữa là đại bộ phận chủ lực có chỉ huy và được tập trung nhiều xe tăng, thiết giáp để bảo vệ chỉ huy, chi viện cho lực lượng đi đầu và đi cuối. Có thể thấy, khi rút chạy khỏi Tây Nguyên, địch còn khá đông, vũ khí, trang bị mạnh, nhưng tinh thần hoang mang, sức chiến đấu kém, chỉ huy rối loạn, đội hình cơ động lộn xộn.
19 giờ ngày 16-3-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng điện chỉ đạo Bộ tư lệnh Chiến dịch: “Địch đã rút chạy trên Đường 7, tổ chức truy kích ngay”. Bộ tư lệnh Chiến dịch họp bàn và xác định: Địch rút chạy khỏi Tây Nguyên đúng như dự kiến của ta, đây là thời cơ thuận lợi để ta mở cuộc truy kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch.
Nắm được điểm yếu của địch, ngay trong đêm, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định tiến công truy kích. Sư đoàn 320 cùng các đơn vị xe tăng, pháo binh được giao nhiệm vụ mở cuộc truy kích thần tốc trên Đường 7 và 7B.
Đại tá Khuất Duy Hoan cho hay, lúc này, hầu hết các đơn vị của Sư đoàn 320 đều cách thị xã Cheo Reo từ 50km đến 140km. Địch đang ồ ạt rút chạy trên Đường 7, phải nhanh chóng tổ chức lực lượng truy kích chúng. Sư đoàn 320 yêu cầu Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 hành quân gấp ngay trong đêm, “bằng bất cứ giá nào” sáng 17-3-1975 phải có mặt ở chân đèo Tu Na để chặn địch. Trung đoàn 64 (thiếu) và Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 48) đang làm nhiệm vụ ở khu vực Đạt Lý, Buôn Hồ được lệnh cơ động bằng ô tô và hành quân bộ về ngã ba chi khu Thuần Mẫn.
Trung đoàn 9 sau khi đánh chiếm Kênh Săn, phát triển lên quận lỵ Phú Nhơn và ngã ba Mỹ Thạch, hình thành mũi tiến công từ phía Bắc theo Đường 7 về Phú Thiện, dồn địch vào Cheo Reo. Trung đoàn 48 ở khu vực Thuần Mẫn theo Đường 7B áp sát Đồi Cháy, sử dụng Tiểu đoàn 2 chiếm lĩnh phía Tây sân bay Phú Bổn. Sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn di chuyển lên dãy điểm cao phía Tây Cheo Reo. Thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị trên các hướng đã tiếp cận, chiếm lĩnh trận địa, hình thành thế bao vây, đưa gần như toàn bộ đội hình địch tháo chạy bị chôn chân tại thị xã Cheo Reo.
Ký ức người trong cuộc
Địch đã rút chạy trên Đường 7, Đại tướng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320: “Băng rừng, cắt đường giao thông và chặn đánh, buộc địch ùn lại ở phía Đông-Tây...”. Hầu hết các đơn vị của Sư đoàn 320 dù rất xa Cheo Reo nhưng đã dùng nứa làm đuốc, đốt dép cao su soi đường, khẩn trương tiến về hướng địch rút chạy. Cựu chiến binh Quách Minh Sơn, nguyên Tiểu đội trưởng, Đại đội Trinh sát, Sư đoàn 320 nhớ lại: "Nhiệm vụ của chúng tôi lúc ấy là dẫn đường để bộ đội cắt rừng và làm thế nào đi được cung đường ngắn nhất, an toàn nhất, nhanh chóng tập kết để chặn địch ở Cheo Reo.
Một ngày, một đêm thần tốc vượt hàng trăm cây số, đến bây giờ cũng không ai nghĩ tại sao lại đi được như vậy. Các đơn vị của Sư đoàn 320 vận dụng hình thức chiến thuật phục kích bất ngờ, lực lượng ngụy quân Sài Gòn rơi vào trạng thái hoảng hốt, hỗn loạn, chúng bỏ lại lượng lớn xe quân sự trên cung đường khoảng 5km. Trong đơn vị có một số đồng chí biết lái xe, ta kết hợp sử dụng tù binh lái xe chở bộ đội tiếp tục truy kích địch.
Sự kiện cùng đồng đội chạy đua với thời gian để truy kích địch ở Cheo Reo vẫn còn in đậm trong trí nhớ của Đại tá Khuất Duy Hoan. Ông kể: "Ngày 16-3-1975, chúng tôi rải quân dọc đường đoạn Bắc Buôn Hồ. Hành quân bộ dưới trời nắng nóng, đường xuyên rừng khộp bụi mù đất đỏ. Gần tối hôm ấy, xe ô tô đổ quân xuống chân núi Chư Be Lang cách Cheo Reo hơn 10km. Lệnh của trên vượt núi ngay trong đêm để sáng mai kịp chặn địch. Dưới ánh lửa lập lòe của những vạt rừng cháy mùa khô ở Tây Nguyên, chúng tôi vượt dãy Chư Niêng với súng đạn nặng trĩu trên vai, mồ hôi đẫm ướt áo quần.
Gần sáng đến khu rừng khộp cách cầu Sông Bờ gần 2km, chưa đào xong công sự thì quan sát thấy máy bay, pháo binh địch bắn phá dọn đường rút chạy. Phía cầu Sông Bờ, tiếng xe tăng, xe bọc thép của địch gầm rú, tiếng súng pháo của địch, của ta rung chuyển núi rừng. Quân địch cắt rừng tháo chạy gặp đơn vị chúng tôi chặn đánh, chúng chống trả yếu ớt rồi vứt súng đầu hàng. Cả ngày hôm ấy, chúng tôi tiêu diệt và bắt hàng trăm tên. Đêm xuống, chúng tôi cùng các đơn vị bạn chiếm giữ Đường 7, tiếp tục bắt tù binh và thu hồi vũ khí quân địch vứt lại bừa bãi trên đường tháo chạy".
Dù đang phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) nhưng khi ôn lại trận truy kích địch ở Cheo Reo tháng 3-1975, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xước Hiện (nguyên Tiểu đội phó thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320) vẫn hào sảng: "Theo lệnh trên, Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) nhanh chóng tiếp cận, bao vây toàn bộ Cheo Reo, Phú Bổn để chặn đường rút lui của địch. Suốt một đêm vượt qua núi đá hiểm trở và chạy tắt 8km đường rừng, sáng 18-3-1975, tôi cùng đồng đội được lệnh chốt chặn tại cầu Cây Sung, Nam Cheo Reo, Phú Bổn. Lúc này, đoạn Đường 7 từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài 4km tập trung hàng trăm xe quân sự và hàng nghìn binh lính địch đang hành quân. Đại đội 3 chốt chặn tại cầu Cây Sung quyết không cho địch chạy thoát về phía biển Tuy Hòa. Địch tổ chức nhiều đợt tấn công lớn vào trận địa Đại đội 3. Xe tăng địch đè lên hầm chốt của các chiến sĩ. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tôi dẫn 3 chiến sĩ ra chặn xe tăng địch. Sáng hôm ấy, tôi dùng B41 bắn 5 quả đạn làm 4 xe tăng M48 và 1 xe thiết giáp M113 của địch bốc cháy. Hết đạn B41, tôi dùng súng AK của một đồng đội đã hy sinh tiếp tục chiến đấu. Cả ngày chiến đấu quên ăn, đơn vị tôi tiêu diệt hàng trăm tên và hàng chục xe tăng địch tại cầu Cây Sung”...
Phân tích trình độ tác chiến của Quân Giải phóng trong truy kích địch rút chạy trên Đường 7 và 7B giữa tháng 3-1975, Đại tá Khuất Duy Hoan khẳng định: Các cánh quân của Sư đoàn 320 đã chủ động thay đổi phương pháp tiến công theo diễn biến chiến đấu, dùng hỏa lực pháo binh đánh phá mãnh liệt, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, làm địch hoang mang đến cực độ, nhanh chóng tan rã. Cùng với đó, quân ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, tiến công địch co cụm, vận động tiến công kết hợp chốt, vận động bao vây tiến công liên tục, truy kích và các thủ đoạn bao vây, chia cắt, vu hồi, đón lõng, thọc sâu; các đơn vị chủ lực cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu diệt từng phần tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy...
Sau hơn một tuần tiến hành truy kích, quân ta đã diệt gọn toàn bộ quân địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 liên đoàn công binh, 20 tiểu đoàn bảo an, cảnh sát dã chiến và một bộ phận cơ quan Quân khu 2 ngụy, bắt 8.000 tù binh, phá hủy 1.400 xe các loại, trong đó có 90 xe tăng và 25 xe thiết giáp M113...
Với việc nhận định, đánh giá sát đúng tình hình, nhanh chóng đưa ra quyết định và cách xử trí tình huống linh hoạt, mau lẹ, Quân Giải phóng đã đập tan ý đồ lui về phòng thủ duyên hải miền Trung hòng tái chiếm Tây Nguyên của Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh ngụy quân Sài Gòn. Tây Nguyên giải phóng đã tạo nên đột biến chiến lược quan trọng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 để ta nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ý kiến ()