50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020 ghi nhận kỷ lục mới
Các công ty trong danh sách lần này có nền tảng vững vàng, nhất là không chỉ có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2019 mà còn kỳ vọng có sức bật trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thử thách nhất trong 10 năm qua.
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 8 của Forbes Việt Nam ghi nhận những kỷ lục mới.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty này đạt 138.705 tỉ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019 và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Danh sách năm nay cũng ghi nhận 9 sự thay đổi, trong đó có 4 công ty lần đầu tiên xuất hiện (HDBank, Imexpharm, Công ty CP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, Công ty CP Tư vấn điện 2).
Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) năm thứ 2 liên tiếp giữ ngôi quán quân về lợi nhuận với kỷ lục mới đạt 23.122 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trở thành doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất trong 8 lần Forbes công bố danh sách.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp tục dẫn đầu về doanh thu năm thứ 4 liên tiếp.
Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của khối kinh tế tư nhân tiếp tục được ghi nhận trong danh sách năm 2020. Các công ty tư nhân đầu ngành như Vingroup, Masan Group, Techcombank, VPBank, Hòa Phát, Thế giới di động… tiếp tục có một năm tăng trưởng, phần lớn lợi nhuận vươn lên các cột mốc mới.
Theo Forbes Việt Nam, danh sách lần thứ 8 được thực hiện ở thời điểm không phải lý tưởng khi kinh tế thế giới và Việt Nam đối diện với các bất ổn khó đoán định dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Do đó, lần đầu tiên trong 8 năm qua, vốn hóa thị trường của 50 công ty trong danh sách có giảm so với năm trước đó. Theo thống kê của Forbes Việt Nam, vào trung tuần tháng 5, tổng vốn hóa của 50 công ty trong danh sách đạt 81,3 tỉ USD, giảm 13,5% so với danh sách năm 2019.
Để chọn ra 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2020, Forbes Việt Nam xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành.
Ở vòng sơ loại, những công ty đang thua lỗ hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 500 tỉ đồng đều không lọt vào vòng sau.
Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: Tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận; tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2015 – 2019.
Tiếp theo, ở vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp ở các mặt: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững.
Ý kiến ()