5 năm thực hiện Chỉ thị 45: Cầu nối thúc đẩy nguồn lực kiều bào
Việt kiều đã đầu tư tại 42/63 địa phương, dẫn đầu đầu tư tại Hà Nội với 79 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 470 triệu USD, tiếp theo là tại Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với các đại biểu và kiều bào dự Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 45-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và phát triển đất nước trong tình hình mới, những năm qua, Chính phủ đã rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Cùng với đó là các chính sách thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đẩy mạnh kết nối trí thức, doanh nhân kiều bào
Theo Tiến sỹ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói, tạo điều kiện thuận lợi để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước.
Ông Trần Hải Linh nêu dẫn chứng Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… theo hướng tạo khung khuôn khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm thu hút có hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Cùng với việc cơ bản kiểm soát dịch COVID-19, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp gốc Việt.
Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài như hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước…
Những năm gần đây, hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam có chọn lọc hơn, chất lượng, hiệu quả, chủ yếu là sản phẩm công nghệ cao, bảo vệ môi trường và giá trị thặng dư kinh tế; ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, có phương thức quản trị hiện đại và giá trị gia tăng, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
“Với những lợi thế sẵn có trong nước, các kiều bào trẻ, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản có xu hướng thành lập các mạng lưới kết nối cộng đồng doanh nhân, trí thức trong và ngoài nước để hình thành chương trình, hoạt động góp phần xây dựng, phát triển quê hương. Đây chính là nguồn lực quý báu có thể góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới,” ông Trần Hải Linh cho biết.
Trước những khó khăn về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý; rào cản về văn hóa và ngôn ngữ; luật, thủ tục hành chính… cho kiều bào về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, ông Trần Hải Linh đề xuất tiếp tục đẩy mạnh các chính sách liên quan đến việc gắn kết kiều bào với trong nước như vấn đề nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam; cải thiện môi trường đầu tư và kết nối kinh doanh cho kiều bào.
Ông Trần Hải Linh cho rằng cần tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân… phục vụ mục tiêu phát triển đất nước; xây dựng “cơ quan đầu mối có thẩm quyền” để trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu và đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu…
Hơn 500.000 chuyên gia, trí thức kiều bào
“Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó, Nhà nước cần tận dụng tối đa nguồn lực trí thức kiều bào, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từ đó phát triển những ngành khoa học công nghệ ứng dụng mũi nhọn về vật liệu, năng lượng, môi trường, sinh học, thông tin…,” Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, kiều bào Nga nêu rõ.
Với hơn 500.000 chuyên gia, trí thức ở khắp các vùng lãnh thổ và châu lục, trong đó có những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như: Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc…, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đề nghị cần xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào; đồng thời chú trọng phát triển tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân.
Trên cơ sở xác định năng lực của trí thức kiều bào trong từng chuyên ngành, dự án cụ thể, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đề xuất các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp, là trí thức kiều bào được giao làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm, dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ, ngành. Việc giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Sỹ cũng đề xuất đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Hải Thanh, Giám đốc AVSE Global-Vietnam, cho rằng trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cần có những bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tự lực, tự cường. Góp phần giúp đất nước tăng trưởng kinh tế là nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lực lượng trí thức kiều bào.
Để khuyến khích trí thức kiều bào tham gia hợp tác, phát triển khoa học công nghệ, Giám đốc AVSE Global-Vietnam nêu rõ cần xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh, minh bạch; đẩy mạnh kết nối giữa các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đào tạo để thu hút và phát triển đổi ngũ chuyên gia, tư vấn cao cấp trong nước.
“Nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư nghiên cứu và thu hút chất xám trong các ngành công nghệ, góp phần giảm bớt các rủi ro có liên quan và khuyến khích doanh nghiệp dấn thân vào các công nghệ mới,” chị Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết.
Đánh giá cao tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị trong việc khơi dậy tiềm lực kiều bào, Giám đốc AVSE Global-Vietnam tin tưởng với quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ Chính phủ, sự nỗ lực và đồng lòng của toàn dân, đặc biệt là hàng triệu kiều bào trí thức, Việt Nam có nhiều cơ hội vươn lên bứt phá, trở thành một trong những điểm sáng của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến tháng 10/2020, có 362 dự án đầu tư của kiều bào về Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,6 tỷ USD từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số đó, số dự án đầu tư nhiều nhất từ Hoa Kỳ với 18 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 105,8 triệu USD, chiếm 22,38% về số dự án và 6,6% về vốn đầu tư, tiếp sau đó là từ Pháp, Australia, Trung Quốc, Đức…
Hiện có 143 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến-chế tạo, có tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 725 triệu USD, chiếm tới 39% số dự án và 45% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú, xây dựng…
Việt kiều đã đầu tư tại 42/63 địa phương; dẫn đầu đầu tư tại Hà Nội với 79 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 470 triệu USD; tiếp theo là tại Long An, Bình Thuận, Hải Phòng, Đồng Nai…
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đóng góp phát triển kinh tế đất nước, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết với sự am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, bà con kiều bào tích cực tham gia công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các hoạt động kinh tế có hiệu quả hơn; trở thành cầu nối thu hút, thúc đẩy người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư trong nước; đồng thời thúc đẩy bạn bè nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Với những kết quả nêu trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định: “Tiềm lực về khoa học công nghệ, tài chính, quản lý của người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng lên và xu hướng đầu tư Việt Nam nhiều hơn.”
Để thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian qua, Chính phủ tích cực rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh như Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, chính sách thị thực…
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư cho kiều bào; đồng thời đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế, không tạo ra phân biệt đối xử trong đầu tư; đẩy mạnh xây dựng dữ liệu của kiều bào để hỗ trợ Việt Nam kết nối đầu tư cũng như lan toả tri thức đến các trường, viện nghiên cứu.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết trong Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam diễn ra vào tháng 8/2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam ra mắt và tập hợp được hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… ở Việt Nam và nước ngoài.
Hoạt động của Mạng lưới nhằm quy tụ, tập hợp trí thức người Việt, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ; hỗ trợ, kết nối giữa tập đoàn, quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài; kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, chuyên gia ở các nước sở tại để hợp tác đào tạo, cung cấp học bổng, hỗ trợ học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam sang học tập và nghiên cứu tại quốc gia đó… hướng tới mục tiêu xây dựng, tập hợp nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo của đất nước.
Cùng với đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được giao nhiệm vụ vận hành, phát triển Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, bao gồm các trí thức, nhà khoa học trẻ hiện đang làm việc, nghiên cứu cho các cơ quan, tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tính đến nay, Mạng lưới đã kết nối được hơn 300 thành viên ở 14 quốc gia để triển khai xây dựng các mạng lưới thành phần ở Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đức, Australia, Nhật Bản.
“Cộng đồng trí thức người Việt Nam tại các nước về cơ bản rất quan tâm và mong muốn đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn có thể thu hút được khoảng 1.000 trí thức, nhà khoa học đang sinh sống, học tập ở nước ngoài đóng góp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kết nối và hợp tác hai chiều giữa Việt Nam và nước sở tại,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh./.
Ý kiến ()