5 năm nhìn lại
LSO-Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Lạng Sơn được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã tròn 5 năm. Tuy là một tổ chức Hội mới, còn non trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng Ban chấp hành Hội cùng các thành viên đã nỗ lực thực hiện được nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh.
Gian hàng rau an toàn tham gia Hội chợ thương mại |
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn được thành lập ngày 7/3/2009, với 15 hội viên là tổ chức và 68 hội viên cá nhân. Ban chấp hành Hội có 7 thành viên, ban kiểm tra có 3 thành viên.
Để khẳng định vai trò của tổ chức Hội, trong 5 năm qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền phổ biến pháp luật có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua nhiều hình thức như treo băng rôn, biểu ngữ, tổ chức các buổi hội thảo, mít tinh và các sự kiện có liên quan. Ngay trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011, Hội đã tuyên truyền, phổ biến về những nội dung cơ bản, những điểm mới của Luật bằng nhiều hình thức, trong đó nhấn mạnh vào một số nội dung mới có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng như: phổ biến Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg ngày 13/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung… Các chương trình tuyên truyền do Hội tổ chức đã góp phần giúp người tiêu dùng dần hiểu rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Ngoài những hoạt động do Hội trực tiếp đúng ra thực hiện, Hội còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh thực hiện các chương trình, dự án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Ông Hoàng Việt Chiến, Thư ký Hội cho biết: Đầu năm 2013, Hội phối hợp cùng với Trung tâm Xúc tiến thương mại Lạng Sơn xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên Báo Lạng Sơn và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Trong đó, những nội dung chuyên mục đưa ra đều sát với thực tế để người tiêu dùng dễ hiểu, dễ nhớ như: việc cần thiết phải niêm yết giá hàng hóa dịch vụ, cách phân biệt và nhận biết hàng thật – hàng giả, các chương trình bình ổn giá của Chính phủ vào các dịp lễ, tết… Đặc biệt, Hội đã phối hợp với tổ chức VECO Việt Nam thực hiện Dự án hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về rau an toàn. Qua đó, Hội đã tổ chức 2 cuộc hội thảo tuyên truyền về rau an toàn cho 70 người tham gia là đại diện các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ trên địa bàn thành phố. Cấp phát 13.000 tờ rơi, xây dựng 12 phóng sự truyền hình và tin bài trên Báo Lạng Sơn. Đặc biệt, Hội đã tư vấn giúp HTX Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn tổ chức kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, mở cửa hàng bán rau an toàn tại chợ Đồng Kinh để phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch hàng ngày và cũng là để thực hiện công tác tuyên truyền trực tiếp đến người tiêu dùng một cách hiệu quả.
Ngày 8/10/2013, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lạng Sơn được sự giúp đỡ của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm phát triển thương mại điện tử – ECOMVIET đã khởi tạo website với tên miền: http://langsonstas.com. Bằng công cụ này Hội đã và đang cung cấp các thông tin về Pháp luật bảo vệ người tiêu dùng; một số thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng nói chung. Ông Chiến cho biết thêm: Hội sẽ cố gắng xây dựng được diễn đàn cho người tiêu dùng, thông qua đó thu thập thông tin phục vụ cho công tác của Hội và kiến nghị với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Hội cũng chú trọng đến công tác giải quyết đơn thư khiếu nại. Nhiều trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng đã được Hội giải quyết thỏa đáng. Trong đó có trường hợp người tiêu dùng khiếu nại về việc mua điện thoại di động về không sử dụng được nhưng nhà phân phối không cho đổi hoặc khắc phục theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi làm rõ vấn đề thì lỗi lại do người tiêu dùng, do khi mua hàng hóa người tiêu dùng đã không giữ những chứng từ, hóa đơn cần thiết. Điều này chính là do người tiêu dùng nhận thức chưa thấu đáo trong quá trình thực hiện mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Chính vì vậy, Hội đã xác định mỗi trường hợp khiếu nại được giải quyết sẽ là phương thức tuyên truyền tốt nhất để giúp người tiêu dùng hiểu được rõ mọi vấn đề trong việc mua sắm hay tham gia các dịch vụ trên thị trường. Thực tế cho thấy, khi sản phẩm hàng hóa và dịch vụ ngày càng phát triển thì việc đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng càng phức tạp. Ông Bùi Gia Tuấn, Chủ tịch Hội cho biết: Hiện nay, nhiều trường hợp người tiêu dùng bị xâm hại đến lợi ích hợp pháp của mình do nhận thức chưa đầy đủ nên đã tạo cơ hội cho các nhà phân phối, cung ứng hàng hóa, dịch vụ lợi dụng để trục lợi bất hợp pháp… Chính vì vậy, thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, hội sẽ kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần quản lý chặt nguồn cung, tăng cường giáo dục, giám sát những người sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ cá thể trong việc tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, về giá bán hàng hóa dịch vụ,… Đồng thời, tăng cường các thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng thông qua các kênh tuyên truyền của Hội và các cơ quan có liên quan. Việc tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hoá, dịch vụ thực chất là làm cho chất lượng hàng hoá, dịch vụ đưa đến tay người tiêu dùng được bảo đảm đúng như giá trị của nó, chống lại thủ đoạn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
ANH DŨNG
Ý kiến ()