5 điểm nhấn đáng chú ý trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong tháng Ba của Trung Quốc tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 1/2023 của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cơ bản thể hiện rõ xu hướng phục hồi, trong đó có một số đặc điểm mang tính cơ cấu, biểu hiện cụ thể là đầu tư công mạnh hơn đầu tư tư nhân, tiêu dùng mạnh hơn đầu tư và kinh tế vĩ mô cải thiện mạnh hơn kinh tế vi mô.
Đà sụt giảm xuất khẩu có dấu hiệu dừng
Xuất khẩu tháng Ba của Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh gần 15%, chấm dứt đà sụt giảm 4 tháng liên tiếp, tăng 21,6 điểm phần trăm so với hai tháng đầu năm. Điều này đã giúp xuất khẩu quý 1 chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, có hai điểm đáng chú ý trong số liệu xuất khẩu tháng. Điểm thứ nhất là giá trị giao hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp công nghiệp trong tháng Ba giảm 5,4% so với cùng kỳ về danh nghĩa. Điểm thứ hai là xuất khẩu sang ASEAN duy trì tăng trưởng cao, trong khi xuất khẩu của các nước ASEAN đều sụt giảm. Trong tháng Ba, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cần quan sát thêm sự phục hồi của tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội trong tháng Ba của Trung Quốc tăng 10,6% so với cùng kỳ, tăng 7,1 điểm phần trăm so với hai tháng đầu năm và trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của bán lẻ xã hội phục hồi, nhờ tiêu dùng và nhu cầu hồi phục. Thêm vào đó, số liệu cơ sở để so sánh ở mức thấp.
Lấy doanh thu từ dịch vụ ăn uống chiếm 10% làm ví dụ, doanh thu của lĩnh vực này đạt 370,7 tỷ nhân dân tệ trong tháng Ba, tăng hơn 26% so với cùng kỳ và tăng 17 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, mặc dù hàng hóa tiêu dùng lớn phục hồi, nhưng doanh số vẫn khá ảm đạm. Bên cạnh việc các nhà sản xuất tiếp thị mạnh mẽ đã thúc đẩy doanh số bán xe tăng cao, thì thiết bị thông tin liên lạc chỉ tăng 1,8%, trong khi các sản phẩm đồ điện gia dụng lại giảm 1,4% so với cùng kỳ và giảm 6,8% so với năm 2021. Hiện tượng này phản ánh sức mua của các hộ gia đình phổ thông không đủ.
Đầu tư cố định tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng
Đầu tư tài sản cố định tăng trưởng 5,1% trong quý 1/2023, yếu hơn so với kỳ vọng 5,7%, kém xa mức tăng 9,3% của quý 1/2022. Tốc độ tăng trưởng của ba lĩnh vực quan trọng đều giảm đáng kể. Cụ thể, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tăng 7%, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng trưởng 8,8%; đầu tư phát triển bất động sản giảm 5,8%, thấp hơn các mức tăng của quý 1/2022 lần lượt là 8,1%, 9% và 5,7%. Đầu tư tài sản cố định của tháng Ba giảm 0,7% so với cùng kỳ, trong khi tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 6,6%.
Tại sao đầu tư của quý 1/2023 chưa “tỏa sáng”? Trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc cao vào đầu tư tài sản cố định. Tuy nhiên, hiện nay tỷ suất lợi nhuận cận biên của đầu tư đã suy giảm đáng kể, tăng trưởng đầu tư chịu một số hạn chế.
Đầu tiên là hạn chế về tỷ lệ đòn bẩy. Tỷ lệ nợ của chính phủ tiếp tục gia tăng, chi phí trả nợ tăng cao đáng kể, điều này khiến cho khả năng mở rộng tài khóa và vay nợ bị hạn chế. Mặc dù đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn duy trì tăng trưởng cao, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn của nợ địa phương do đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng đã xuất hiện.
Thứ hai là tiêu dùng yếu. Tăng trưởng xuất khẩu dự kiến ảm đạm và sức mua trong nước yếu sẽ khiến cho năng lực sản xuất khổng lồ mang lại từ việc duy trì mức đầu tư cao khó được hấp thụ, tốc độ tăng đầu tư vào các ngành dệt may, sản phẩm kim khí, thiết bị thông dụng, thiết bị chuyên dụng, điện tử và máy tính giảm đáng kể do ảnh hưởng của xuất khẩu.
Thứ ba là niềm tin đầu tư của khu vực tư nhân, bảng cân đối kế toán của các công ty tư nhân và khu vực hộ gia đình bị ảnh hưởng, năng lực và niềm tin đầu tư của khu vực tư nhân không đáp ứng được.
Từ năm 2020-2022, đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp nhà nước duy trì mức tăng trưởng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân lại ảm đạm. Quy mô đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân trong tháng Ba là 2.911,2 tỷ nhân dân tệ, giảm 4,3%.
Thị trường nhà ở ấm lên, thị trường đất đai nguội lạnh
Thị trường nhà ở tiếp tục ấm lên trong tháng Ba, đón nhận “mùa Xuân nhỏ” như kỳ vọng, nhưng cũng xuất hiện những đặc điểm mang tính kết cấu, biểu hiện cụ thể là thị trường nhà ở “nóng,” thị trường đất đai “lạnh,” hoạt động bán hàng phục hồi mạnh mẽ, hoạt động đầu tư suy yếu.
Hoạt động bán hàng phục hồi mạnh mẽ là động lực quan trọng nhất để địa phương phục hồi. Doanh số bán nhà ở thương mại của quý 1/2023 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh số bán nhà ở chung cư tăng 7,1%, cao hơn 30 điểm phần trăm so với quý 4/2022. Doanh số bán nhà ở thương mại của tháng Ba tăng 6,3%, trong đó doanh số bán nhà ở chung cư tăng 8,8%.
Tuy nhiên, dữ liệu mua bán bất động sản của 30 thành phố lớn và vừa từ ngày 1-11/4 thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ tháng Ba, xu hướng này không có lợi cho sự phục hồi đầy đủ của bất động sản và sự ấm lên của thị trường đất đai.
Thu nhập khu vực cư dân cải thiện
Thu nhập khả dụng bình quân đầu người của Trung Quốc trong quý 1/2023 là 10.870 nhân dân tệ, tăng 5,1% so với cùng kỳ về danh nghĩa và tăng 0,1% so với cả năm 2022. Sau khi trừ yếu tố giá, tốc độ tăng trưởng thực tế là 3,8%. Chênh lệch phân phối thu nhập nới rộng. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi 16-24 tăng 2,9 điểm phần trăm lên 19,6%.
Trong thời kỳ quan trọng của phục hồi kinh tế, cần thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách mang tính cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ loại hình dựa vào đầu tư và vay nợ để thúc đẩy sang loại hình tiêu dùng và định hướng xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách tài khóa, hạ thấp thuế quan, chuyển hướng chi tiêu tài khóa từ đầu tư cơ sở hạ tầng sang xây dựng phúc lợi hộ gia đình phổ thông; và thúc đẩy cải cách ngân hàng, hạ thấp lãi suất, chuyển hướng tín dụng ngân hàng từ doanh nghiệp nhà nước sang khu vực tư nhân, đồng thời cải thiện môi trường quốc tế của lĩnh vực sản xuất phục vụ xuất khẩu./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()