5 điểm đến du lịch tuyệt đẹp ở Cao Bằng mà nhiều du khách chưa biết
Thác Bản Sầm, Thác Thồng Lộc, Hố sụt Canh Cảo, sông Quây Sơn, Núi Thủng… là các địa danh mang vẻ đẹp kỳ thú mà khách du lịch không thể bỏ qua khi khám phá nước non Cao Bằng.
Cao Bằng nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như tranh vẽ, nhưng có khá nhiều địa danh mà nhiều người chưa từng khám phá. Ở bài viết này, phóng viên sẽ giới thiệu 5 điểm đến tuyệt đẹp mà những người thích xê dịch khó có thể bỏ qua.
Thác Bản Sầm
Trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận có rất nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó có thác nước Bản Sầm ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa.
Thác Bản Sầm nằm cách Quốc lộ 3 khoảng 3km, cách thành phố Cao Bằng khoảng 56km, nằm khuất sau ngọn núi Khau Chỉa, thuộc xóm Bản Sầm, xã Lương Thiện cũ (nay thuộc thị trấn Hòa Thuận).
Thác Bản Sầm nằm trên suối Sầm Xuyên, là một nhánh nhỏ hòa mình vào sông Bằng.
Thác đẹp nhất vào khoảng từ tháng Tư đến tháng Bảy hàng năm. Với phong cảnh đẹp kỳ vĩ, nguyên sơ và hệ sinh thái phong phú, không khí trong lành, mát mẻ, nơi đây đang trở thành điểm đến mới mẻ, thu hút du khách đến khám phá.
Đường từ thành phố Cao Bằng vào khu vực thác đã được trải bêtông nên rất thuận tiện cho du khách di chuyển. Dịch vụ ăn uống phục vụ các món ẩm thực địa phương như cá nướng, gà nướng, cơm lam, thịt nướng… cũng khá hấp dẫn du khách.
Một trong những điểm kỳ thú của thác Bản Sầm là sau những tầng thác có những rãnh nước rộng. Du khách có thể ngâm mình trên những rãnh nước ấy hoặc ngắm nhìn dòng nước chảy hiền hòa từng tầng chảy xuống tạo thành màn sương trắng mỏng manh, mát lạnh.
Gần thác là nhiều bãi tắm nhỏ, nước nông, trong xanh và chảy quanh năm nên thuận tiện cho các hoạt động vui chơi dưới nước của du khách. Đặc biệt, gần thác có các dịch vụ cho thuê áo phao, phao bơi nên đảm bảo vui chơi, an toàn cho trẻ nhỏ.
Ngoài khám phá dòng thác, du khách cũng có thể ghé qua các làng nhỏ xung quanh thác để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn độc đáo, những thửa ruộng bậc thang của dân tộc Tày nơi đây hoặc có thể ghé thăm làng nghề làm đường phên cách đó khoảng 7km tại thị trấn Hòa Thuận để đắm mình vào những nét văn hóa truyền thống cũng như thưởng thức, mua nhiều sản vật, món ăn ngon làm từ đường phên về làm quà tặng.
Thác Bản Sầm ẩn chứa nhiều điều thú vị giữa đại ngàn hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên. Nếu muốn tìm một địa điểm để thư giãn, lắng nghe âm thanh của thiên nhiên và thưởng thức những món ngon mang đậm hương vị núi rừng, thì thác Bản Sầm là điểm hẹn thú vị không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Cao Bằng.
Thác Thồng Lộc
Vào mùa Xuân, cảnh sắc Cao Bằng mang một vẻ đẹp say đắm lòng người. Dòng thác im lìm bỗng bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ Đông và cuộn mình tuôn chảy. Đây cũng là thời điểm đẹp nhất để ghé thăm thác Thồng Lộc của Cao Bằng
Thác Thồng Lộc nằm ở xóm Hồng Lộc, xã Đoài Dương (huyện Trùng Khánh), cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 1km. Vẻ đẹp của Thồng Lộc được mệnh danh là non nước hữu tình bởi bao quanh dòng thác là các ngọn núi có hình thù đẹp, lạ mắt.
Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thác Thồng Lộc, sau khi rời thị trấn Trùng Khánh, du khách theo đường tỉnh 206 qua xã Thông Huề, đi theo con đường bêtông xóm Nà Ít, xã Đoài Dương khoảng 4km là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác.
Nằm ở đầu nguồn sông Bắc Vọng, không ồn ào, mạnh mẽ chảy từ độ cao của các vách đá xuống, thác Thồng Lộc mang vẻ đẹp bình yên, thơ mộng.
Dòng thác được tạo thành bởi nhiều tầng thác nhỏ, mỗi tầng cách nhau từ 1-2m. Thác đẹp cả bốn mùa nhưng đẹp nhất từ tháng Tư đến tháng Sáu, khi dòng nước chưa dữ dội và cảnh vật mùa Xuân tô điểm thêm cho phong cảnh hữu tình của dòng thác.
Theo người dân địa phương, Thồng Lộc có nghĩa là dòng thác cho nhiều lộc. Dòng thác còn mang một ý nghĩa khác là dòng chảy của sự may mắn. Chính bởi nguồn nước dồi dào chảy suốt bốn mùa quanh năm qua dòng thác xuôi về thị tứ Thông Huề là nguồn nước canh tác chính của bà con nơi đây, tạo thành dòng sông Bắc Vọng nên thơ.
Không gian dưới chân thác Thồng Lộc rất thoáng mát, trong lành. Do dòng chảy của nước, các bãi bồi được cỏ phủ xanh tạo thành những khoảng đất trống rộng rãi, thoáng mát, phù hợp với các nhóm gia đình du lịch vào dịp cuối tuần, ngày nghỉ lễ.
Hòa mình vào không gian yên tĩnh để thư giãn, tận hưởng tiếng chim hót, tiếng nước chảy róc rách hòa với âm điệu của cây lá xào xạc không còn gì thích thú bằng.
Thác Thồng Lộc như một món quà thiên nhiên đã ban tặng cho xã Đoài Dương và huyện Trùng Khánh. Nếu có dịp đến Trùng Khánh, du khách hãy ghé qua để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dòng thác và tận hưởng không khí trong lành của vùng quê thanh bình nơi biên cương Tổ quốc.
Núi Thủng
Núi Thủng (tên theo tiếng Tày là Phja Piót) cùng Hồ Nậm Trá. Nằm tại xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, Trà Lĩnh, Núi Thủng (người địa phương gọi là Mắt Thần Núi) là một kiệt tác được tạo nên trong quá trình kiến tạo địa chất diễn ra hàng chục triệu năm trước.
Núi Thủng cao khoảng 100m so với mặt hồ, như một khối hình tháp xanh khổng lồ nằm độc lập giữa lòng thung lũng. Giữa lưng chừng là lỗ thủng cực lớn xuyên qua lòng núi, với đường kính chỗ rộng nhất lên tới khoảng 35m, giống như một phẩm điêu khắc kỳ vĩ của thiên nhiên.
Đây có thể xem như một nét độc đáo, cực kỳ hiếm trong hệ thống núi đá vôi tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Theo tài liệu nghiên cứu về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, phần lỗ thủng giữa núi có như hiện nay do vận động nâng trong giai đoạn tân kiến tạo (đây là giai đoạn hình thành và phát triển tự nhiên ở Việt Nam kéo dài từ 65 triệu năm trước cho đến ngày nay, trong đó có đặc điểm nổi bật là địa hình được trẻ hóa do vận động nâng).
Dưới chân núi là một vùng thung lũng rộng lớn cũng mang nét đặc biệt không kém. Mùa khô từ tháng Chín năm nay đến tháng Ba năm sau (theo âm lịch), toàn bộ thung lũng là một thảm cỏ xanh biếc, nơi những đàn trâu ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, còn mọi người có thể cắm trại, đi picnic bằng xe đạp… Nhưng đến mùa mưa, từ tháng Tư đến tháng Tám, nơi đây bỗng biến thành hồ nước trong xanh rộng đến 15ha.
Khu Hố sụt Canh Cảo và tiểu Sơn Đoòng nguyên sơ
Hệ thống núi đá vôi ở Việt Nam do thiên nhiên kiến tạo từ hàng triệu năm trước, đã tạo thành nhiều danh lam thắng cảnh từ miền rừng núi đến biển đảo. Trong đó, hệ thống núi đá vôi khu Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng mang nhiều nét độc đáo với những khu hang động được ví như “Tiểu Sơn Đoòng.”
Khu Hố Sụt Canh Cảo nằm giữa cao nguyên Lũng Gà, xã Ngũ Lão, huyện Hòa An. Từ Ủy ban Nhân dân xã Ngũ Lão, du khách di chuyển trên những cung đường ngoằn ngoèo lên cao nguyên Lũng Gà khoảng 5km. Sau đó, đi bộ khoảng 2km đường mòn sẽ tới khu Hố Sụt Canh Cảo.
Nếu nhìn từ trên cao, chúng ta có thể thấy cả một dãy núi dường như bị tạo hóa khoét một lỗ khổng lồ ở giữa. Còn nếu đừng ở dưới đáy Hố Sụt Canh Cảo nhìn lên, ta sẽ thấy một vòm trời huyền diệu.
Xung quanh Hố Sụt Canh Cảo là những vách đá dựng đứng với rêu cỏ ngàn đời bám trụ sinh trưởng xanh tốt. Bên dưới lòng Hố Sụt là nhiều loại cây từ thân gỗ đến thân cỏ tạo thành một khu rừng um tùm.
Không gian dưới Hố Sụt Canh Cảo với vách cao gần 100m và lòng rộng tới vài ngàn m2 tạo cảm giác gợi cho du khách như đang đứng ở phiên bản thu nhỏ của hang Sơn Đoòng (Quảng Bình).
Từ đáy Hố Sụt Canh Cảo, du khách có thể thám hiểm thêm một đoạn hang khô với những phiến đá ngổn ngang xanh màu rêu phong.
Ngay gần khu Hố Sụt Canh Cảo là một khu hang động nguyên sơ, tuyệt đẹp khác ở huyện Thạch An. Khu hang động này nằm ở xóm Bản Muồng, xã Thị Ngân, Thạch An (cách thành phố Cao Bằng khoảng hơn 50km)
Người dân ở đây gọi là hang đá Bản Muồng. Cửa hang như một mái vòm vô cùng ấn tượng với những nhũ đá đâm xuống tua tủa.
Ngay khi bước qua cửa hang, du khách như lạc vào vườn thạch nhũ độc đáo. Hàng chục cây thạch nhũ lớn, nhỏ mọc lên giữa nền hang. Có những cây thạch nhũ khổng lồ cao hơn 10m, đường kính khoảng 4m vươn lên chạm tới trần hang.
Đứng từ khoảng tối trong hang nhìn ra là một khung cảnh huyền ảo giữa sáng và tối. Hơi lạnh trong hang tạo thành những đám sương huyền ảo gặp ánh nắng bên ngoài hắt vào, tạo ra cảnh tượng mờ nhân ảnh vô cùng đẹp mắt. Lòng hang rộng đến vài ha, du khách có thể thỏa thích đi ngắm nhũ đá lung linh khắp nơi mà không thấy chán.
Sông Quây Sơn
Quây Sơn, Quế Sơn hay Quy Xuân là một con sông quốc tế bắt nguồn từ huyện Tĩnh Tây, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chảy về phía Nam vào lãnh thổ Việt Nam tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Sau đó nó hợp lưu cùng hai nhánh sông nhỏ ở xã Phong Nậm tạo thành dòng chính kỳ vĩ tại xã Đình Phong và xã Đàm Thủy.
Sông Quây Sơn đoạn chảy qua Việt Nam dài 49km có cảnh sắc ấn tượng và đẹp nhất.
Vẻ đẹp riêng của sông Quây Sơn là hai bên bờ có rất nhiều khóm tre, vầu mang vẻ đẹp bình yên. Những khóm tre, vầu xanh ngát, duyên dáng trải dài bên bờ sông qua các xã Ngọc Côn, Phong Nậm, Ngọc Khê, Đình Phong, Chí Viễn. Tre, vầu mọc tự nhiên ở bờ Quây Sơn từ bao đời đã trở thành hàng lũy vững chắc chống xói mòn.
Dòng Quây Sơn có lúc sông uốn sang đất Trung Quốc rồi lại lượn về Việt Nam. Sự uốn lượn của dòng sông trải dài qua nhiều địa hình nên mỗi một vị trí sẽ có một nét đẹp riêng.
Có chỗ, sông ôm ấp những chân núi đá vôi sừng sững tạo thành khung cảnh sơn thủy hữu tình, chỗ khác thì sông nép mình dưới những khóm tre, vầu bình dị mà thân thương, rồi lại như dải lụa vắt quá các thửa ruộng xếp chồng lên nhau như chiếc thang trời, hay cồn cỏ xanh, bãi lau trắng và rừng lá phong vàng nên thơ.
Dòng sông Quây Sơn vừa mang vẻ đẹp hiền hòa, phẳng lặng lại vừa mang sức sống tràn trề ở những đoạn luồn lách qua các tảng đá, tung bọt trắng xóa. Ngoài việc tô điểm cho bức tranh phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, dòng sông còn có sứ mệnh cung cấp nước tưới cho cánh đồng lúa phì nhiêu đôi bờ./.
Ý kiến ()