460.000 việc làm ở Đức đang phụ thuộc vào xuất khẩu đến Anh
IAB nhấn mạnh số lao động Đức phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Vương quốc Anh không đánh đồng với số lượng nhân công tương ứng có thể mất việc làm.
Ngày 8/1, Viện nghiên cứu việc làm (IAB) của Đức công bố một nghiên cứu cho thấy khoảng 460.000 việc làm ở nước này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động xuất khẩu đến Vương quốc Anh.
Theo kết quả nghiên cứu của IAB, Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Đức trong lĩnh vực xuất khẩu.
Ngoài ra, “xứ sở Sương mù” cũng là thị trường xuất khẩu rất quan trọng của các ngành sản xuất ôtô, kỹ thuật cơ khí, hóa chất và dược của Đức.
Tuy nhiên, IAB nhấn mạnh số lao động Đức phụ thuộc vào hoạt động thương mại với Vương quốc Anh không đánh đồng với số lượng nhân công tương ứng có thể mất việc làm.
Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện được gọi là Brexit, trong thời gian tới sẽ không thể “triệt tiêu” hoạt động xuất khẩu đến đảo quốc này, thậm chí có thể tạo ra nhiều cơ hội thương mại mới cho các doanh nghiệp Đức.
Theo IAB, tiến trình Brexit không chắc chắn và bế tắc kéo dài thời gian qua đã buộc cộng đồng doanh nghiệp Đức phải tìm kiếm đối tác thương mại mới ở các thị trường khác và tiến hành tái cấu trúc dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Kể từ cuối tháng 1/2020, Vương quốc Anh sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp, trong đó về mặt kỹ thuật vẫn duy trì sự hiện diện của nước này trong liên minh thuế quan và thị trường nội khối của EU.
Giai đoạn chuyển tiếp này có hiệu lực trong vòng một năm, thậm chí có thể kéo dài tới 3 năm nếu được gia hạn.
Cuối năm ngoái, Chủ tịch Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Eric Schweitzer nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một nền tảng kinh tế với luật chơi công bằng dành cho doanh nghiệp từ cả hai bờ eo biển Manche một khi EU và Anh có thể tiến tới một thỏa thuận song phương trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Schweitzer cũng cảnh báo rằng nguy cơ xảy ra Brexit theo một kịch bản bất thường vào cuối năm 2020 sẽ tác động rất tiêu cực tới các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp liên quan./.
Ý kiến ()