40/46 cuốn sách giáo khoa lớp 6 tiếp tục được thẩm định
Ảnh minh họa |
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức khai mạc vòng 2 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6. Kết thúc vòng 1 thẩm định SGK lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 4 cuốn SGK của môn Tin học không đạt. 40 cuốn còn lại xếp loại “đạt” hoặc “đạt nhưng cần sửa chữa” tiếp tục được thẩm định vòng 2.
Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử-Địa lí, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Để tổ chức thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT đã ban hành số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.
Một điểm mới đáng lưu ý của Thông tư 23 so với Thông tư 33 là quy định về trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định SGK. Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ để tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất 2 đợt trong một năm; trong mỗi đợt thẩm định, một bản mẫu SGK được thẩm định nhiều nhất 2 vòng, mỗi vòng nhiều nhất 5 ngày.
Để bảo đảm chất lượng công tác thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu kỹ, bám sát Thông tư số 33 và Thông tư số 23. Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được Bộ GD&ĐT cụ thể hóa thành 40 chỉ báo. Đây là những nội dung quan trọng các thầy cô cần nắm vững để thẩm định và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu, cho ra được những SGK tốt.
Trong mỗi đợt thẩm định, một bản mẫu SGK được thẩm định nhiều nhất 2 vòng, mỗi vòng nhiều nhất 5 ngày.
Bên cạnh tính tinh giản, kế thừa, các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ về ngữ liệu, ngôn ngữ của từng bản mẫu SGK, có trách nhiệm cùng với Bộ GD&ĐT trong việc giải trình trước xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thời gian qua, Hội đồng thẩm định đã nỗ lực hoàn thành tốt công việc thẩm định ở vòng 1. Các bản mẫu SGK trước khi trình Bộ trưởng được công khai để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ vấn đề bộ SGK của nhóm Cánh diều, Bộ GD&ĐT yêu cầu trong quá trình thẩm định nếu có nội dung được hội đồng thẩm định đề nghị sửa, bổ sung thì phải tăng cường việc thảo luận, tranh luận để có hướng giải quyết thấu đáo vấn đề. Không để tồn tại tình trạng hội đồng thẩm định khuyến nghị nhưng tác giả bỏ qua không sửa.
Ý kiến ()