4 thôn mong nguồn điện
LSO-Xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan có 8 thôn, trong đó 4 thôn với hơn 200 hộ dân chưa có điện. Đó là các thôn: Bản Đông, Bản Mù, Nà Lốc và Thanh Long. Không có điện đồng nghĩa với việc đời sống, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.
Người dân thôn Nà Lốc, xã Tú Xuyên kiểm tra máy phát điện chạy bằng sức nước |
Căn nhà lụp xụp của anh Nông Văn Vạn, thôn Nà Đông, xã Tú Xuyên vẫn ngổn ngang những cột, kèo cháy đen kịt do bị chập điện vào trung tuần tháng 11/2016 vừa qua. Đám cháy xảy ra ban ngày, được người dân xung quanh phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nên không thiệt hại nhiều. Anh Vạn cho biết: Thôn chưa có điện lưới quốc gia, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong thôn muốn có điện sinh hoạt phải tự mua máy phát điện chạy bằng sức nước để kéo điện về nhà sử dụng. Tuy nhiên, nguồn điện tự chế, dây điện kéo về nhà lâu không được thay thế nên chập đường dây dẫn đến cháy nhà.
Đến với các gia đình khác trong thôn Nà Đông và thôn Nà Lốc, theo quan sát của chúng tôi, nhiều hộ gia đình cũng dùng máy phát điện mi ni chạy bằng sức nước để có điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Anh Nông Văn Bàn, thôn Nà Đông chia sẻ: Nhiều hộ phải bỏ hơn 2 triệu đồng đầu tư máy phát điện chạy bằng sức nước, nhưng chỉ những nhà gần suối mới có thể lắp đặt, còn hộ ở xa suối thì không thể. Tuy có điện nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu tối thiểu. Đó là chưa kể những lúc mưa bão, nước dâng cao, người dân phải theo dõi mực nước và ra suối lấy máy về nhà, nếu không muốn dòng nước lũ cuốn trôi.
Những hộ xa nguồn nước, người dân phải nghĩ đủ cách để có điện phục vụ gia đình. Một số hộ ở gần những thôn có điện thì cùng nhau đóng góp tiền mua dây dẫn, lên rừng đốn cây làm cột kéo điện về bản. Tuy nhiên, do ở cuối nguồn, nên điện thường xuyên chập chờn, không ổn định, điện năng tiêu hao lớn.
Không có điện, các hoạt động giải trí, cập nhật kiến thức, thông tin qua sóng truyền thanh, truyền hình là điều xa xỉ, đời sống vật chất, tinh thần vô cùng khó khăn. Phân trường tiểu học, mầm non Nà Lốc được xây mới và trang bị đầy đủ thiết bị nhưng không có điện nên không hoạt động được; cô và trò thường phải học trong những gian phòng thiếu ánh sáng. Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.
Không chỉ có vậy, đời sống của người dân nơi đây cũng vô cùng vất vả. Để xay xát thóc, ngô người dân phải mua đầu máy nổ về tự chế phục vụ nhu cầu gia đình. Không có thiết bị nghe nhìn nên bà con thiếu thông tin, nhất là trong lao động sản xuất. Việc cập nhật tiến bộ khoa học, kỹ thuật bị hạn chế nên người dân các thôn vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức cũ, lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao. Cùng đó, do các thiết bị điện đều do bà con tự chế nên hệ thống không đồng bộ dễ dẫn đến chập cháy.
Ông Nông Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Tú Xuyên cho biết: Xã cũng có ý kiến với cấp trên và trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con có ý kiến với đại biểu Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, đến nay 4 thôn vẫn chưa được đầu tư hệ thống điện. Đây là điều chúng tôi trăn trở và cũng là niềm mong mỏi của người dân. Rất mong các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư lưới điện cho các thôn này, để người dân được tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và cải thiện cuộc sống, sinh hoạt.
HOÀNG VƯƠNG – ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()