4 mục tiêu lớn đề ra đều đạt
LSO-Sáng nay (11/7), UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 11/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kết luận số 189-KL/TU ngày 15/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011 – 2020. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Những vấn đề cấp bách về quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng của tỉnh dự và đạo hội nghị.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại hội nghị |
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 (cuối năm 2011) đến hết tháng 6/2017, công tác phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, toàn tỉnh trồng mới được hơn 72.000 ha, khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng được trên 56.000 ha, độ che phủ rừng đạt mục tiêu đề ra (tính hết năm 2016, độ che phủ rừng của tỉnh là 60,5%). Các vùng nguyên liệu gỗ tập trung được củng cố, phát triển, một số sản phẩm lâm nghiệp và cây ăn quả chủ lực trở thành hàng hoá có giá trị được thị trường chấp nhận. Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã những có chuyển biến tích cực, vị thế của ngành lâm nghiệp ngày càng được khẳng định.
Hội nghị đã được nghe báo cáo tham luận của một số huyện, 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Các ý kiến thảo luận tập trung bàn về giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, tăng diện tích trồng rừng sản xuất, tổ chức các vườn ươm giống cây lâm nghiệp đạt hiệu, công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế đồi rừng, tiếp cận nguồn vốn vay cho trồng rừng…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Sau 6 năm thực hiện Nghị quyết số 29 và 3 năm thực hiện Kết luận số 189, ngành lâm nghiệp đã có những chuyển biến, đặc biệt là đã đạt được 4 mục tiêu lớn mà nghị quyết đã đề ra (hiệu quả kinh tế từ rừng; xã hội hóa đầu tư vào hoạt động bảo vệ và phát triển lâm nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo quốc phòng an ninh). Điều nhìn thấy rõ nhất đó là tỷ trọng lâm nghiệp trong cơ cấu nội ngành từ năm 2011 chỉ đạt 11,87%, đến hết năm 2016 đã đạt 18,80%. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí cũng chỉ ra một số hạn chế trong công tác phát triển lâm nghiệp. Cụ thể: chất lượng rừng và trữ lượng rừng đạt chưa cao; diện tích rừng nghèo vẫn chiếm nhiều; công tác quản lý đất rừng còn lỏng lẻo; Việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp trồng rừng còn nhiều khó khăn… Để đạt được mục tiêu trồng rừng mới trên 27.000 ha (giai đoạn 2016 – 2020) và nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 63 – 64%, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chủ lực là ngành nông nghiệp cần nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh những cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân trong công tác trồng rừng. Các huyện cần đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, trong đó, các ngân hàng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn phát triển rừng. Cùng với đó là hạn chế diện tích trồng rừng phân tán; tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt là tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
LƯU VŨ
Ý kiến ()