4 giảm, 1 tăng
LSO-Sau gần 20 năm chia tách, đài truyền thanh - truyền hình (TT-TH) và trung tâm văn hóa, Thể thao (VHTT) cấp huyện đã trở về “mái nhà” chung. Sự kiện này giúp Lạng Sơn giảm cồng kềnh bộ máy hành chính và tinh giản biên chế ở cấp huyện, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tại cấp huyện.
Cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Văn Lãng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn sau sáp nhập |
Từ đề án giấy
Từ tháng 3/2001, đài TT-TH cấp huyện có quyết định tách khỏi phòng văn hóa, thông tin và thể thao. Sau vài năm, trung tâm VHTT cũng có quyết định tách khỏi phòng. Từ “mái nhà chung”, 3 đơn vị chia tách đều có con dấu và tài khoản riêng hoạt động. Về biên chế, hầu hết các đài, trung tâm đều có cấp trưởng, cấp phó đơn vị, kế toán, văn thư, thủ quỹ. Với bộ máy và cơ cấu như vậy, gần 20 năm qua đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ đối với 2 đơn vị. Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng đề án tinh giản biên chế (TGBC), sắp xếp lại tổ chức bộ máy (TCBM). Các huyện đều đề xuất nên sáp nhập đài TT-TH, trung tâm VHTT thành 1 đơn vị. Trên cơ sở đề án của các huyện, thành phố, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án TGBC, sắp xếp lại TCBM của UBND cấp huyện (Quyết định 2533/QĐ-UBND ngày 26/12/2017) quyết định sáp nhập Đài TT-TH thành phố về Đài Phát thanh và Truyền hình (PT-TH) tỉnh; sáp nhập đài TT-TH với trung tâm VHTT các huyện thành 1 đơn vị sự nghiệp mang tên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông trực thuộc UBND huyện.
Ông Sầm Đức Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc sáp nhập này đã thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Để tổ chức, triển khai có hiệu quả, đảm bảo yêu cầu, mục tiêu đề ra, Sở Nội vụ hướng dẫn UBND cấp huyện và Đài PT-TH tỉnh thực hiện việc sáp nhập trong tháng 1/2018.
Đã và đang sáp nhập
Ngày 5/1/2018, UBND huyện Bình Gia ban hành Quyết định 05/QĐ-UBND về việc sáp nhập Đài TT-TH với Trung tâm VHTT huyện thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thông (VHTT&TT) trực thuộc UBND huyện. Đây cũng là huyện sớm nhất thực hiện việc sáp nhập này. Trước khi sáp nhập, 2 đơn vị có 22 biên chế (thiếu 3 biên chế so với số lượng được giao), trong đó có 4 chức danh lãnh đạo, quản lý. Ông Hoàng Minh Đông, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện cho biết: Sau sáp nhập không những giảm xuống còn 1 đầu mối mà còn giảm được 1 biên chế người đứng đầu, giảm 1 biên chế là kế toán. Sự sáp nhập này không gây xáo trộn hoạt động chuyên môn bởi các viên chức tiếp tục được bố trí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: hành chính – tổng hợp, VHTT, TT-TH một cách hợp lý.
Không riêng huyện Bình Gia, đến ngày 26/1/2018, UBND 9 huyện còn lại cũng đã ban hành quyết định sáp nhập đài TT-TH với trung tâm VHTT thành 1 trung tâm. Ngoài ra, đối với huyện: Chi Lăng, Bắc Sơn còn có bộ phận sự nghiệp thư viện và bảo tàng cũng được chuyển từ phòng VHTT về sáp nhập với 2 đơn vị nêu trên. Hiện trung tâm VTTT&TT một số huyện như: Văn Quan, Lộc Bình… đã đi vào hoạt động. Một số huyện còn lại đang thực hiện việc sắp xếp cơ cấu cán bộ, cơ sở vật chất để về một “mái nhà chung” trong tháng 2/2018. Đài PT-TH Lạng Sơn đã và đang trong quá trình ban hành quyết định sáp nhập Đài TT-TH thành phố.
Sự sắp xếp đài TT-TH và trung tâm VHTT các huyện, thành phố làm cho Lạng Sơn đạt kết quả 4 giảm, 1 tăng gồm: giảm chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; giảm biên chế; giảm chi phí cho quản lý TCBM và chi thường xuyên; tăng cường và tập trung hơn công tác quản lý, điều hành của UBND cấp huyện đối với công tác văn hóa, thể thao, thông tin, tuyên truyền. Cụ thể, sau sắp xếp, toàn tỉnh giảm từ 23 đầu mối xuống còn 11 đầu mối; giảm 1 người đứng đầu; giảm 24 biên chế và 1 hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP; giảm hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước mỗi năm.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()