Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trả lời chất vấn, giải trình một số nội dung đại biểu và cử tri quan tâm
- Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh chiều 10/12, lần đầu tiên cả 4 đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh gồm Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch cùng “đăng đàn” trả lời ý kiến chất vấn và giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu và cử tri quan tâm. Với tinh thần trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm, không né tránh, phần trả lời chất vấn và giải trình của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đã nhận được đồng tình của đông đảo đại biểu và cử tri.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tổ đại biểu huyện Văn Quan về nội dung liên quan đến nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, trách nhiệm thuộc về ai, ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi người dân và có đảm bảo thời gian ban hành theo quy định của Thủ tướng Chính phủ?
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng sau đó xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội điều chỉnh để luật có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quyết định ban đầu. Tại Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 22/10/2024, Thủ tướng Chính phủ phê bình và yêu cầu 6 tỉnh, thành phố kiểm điểm về việc chậm ban hành VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.
Nguyên nhân của việc chậm ban hành VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, gồm 6 nguyên nhân chủ yếu: đầu tiên do thời gian luật có hiệu lực sớm 5 tháng nên ảnh hưởng đến lộ trình đã xác định để xây dựng các VBQPPL. Mặt khác, do Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, nội dung phức tạp và được xây dựng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương. Tổng số nội dung luật và các nghị định giao cho địa phương quy định là 60 nội dung, trong đó 20 nội dung do luật giao và 40 nội dung do nghị định của Chính phủ giao. Do vậy, khối lượng công việc phải hoàn thành rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn.
Các nội dung luật và nghị định giao cho tỉnh ban hành có nhiều nội dung là chính sách đặc thù của tỉnh, tầm ảnh hưởng rộng nên phải nghiên cứu kỹ lưỡng, nhiều nội dung chưa có tiền lệ cần phải đánh giá kỹ tác động và phải xin ý kiến các bộ, ngành của trung ương. Tuy nhiên, các bộ, ngành trung ương trả lời chậm, không rõ ràng, mất nhiều thời gian chờ đợi.
Các văn bản ban hành phải tuân thủ trình tự, thủ tục theo Luật Ban hành VBQPPL, một số văn bản phải có ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, do đó cần có thời gian; đội ngũ công chức của Sở Tài nguyên và Môi trường có hạn nhưng trong thời gian ngắn phải hoàn thành khối lượng công việc lớn nên quá tải, không đáp ứng được tiến độ đề ra; công tác chỉ đạo, đôn đốc của lãnh đạo sở, lãnh đạo tỉnh chưa thật sự thường xuyên, phối hợp giữa các cơ quan có lúc chưa nhịp nhàng.
Về trách nhiệm chậm ban hành VBQPPL hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định trước hết thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư là các cơ quan chuyên môn được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách. Sau đó là trách nhiệm của đồng chí Phó Chủ tịch được giao trực tiếp phụ trách lĩnh vực và trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là người đứng đầu. Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm điểm 6 tập thể, 54 cá nhân và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Tỉnh ủy.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc chậm ban hành VBQPPL hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đưa ra các giải pháp để hạn chế ảnh hưởng, ách tắc công việc, chủ yếu là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Hiện nay, việc ban hành VBQPPL hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai của tỉnh đã bảo đảm được thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Dương Xuân Huyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nông Bích Thuận, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Tổ đại biểu thành phố Lạng Sơn về nội dung giải pháp, lộ trình cụ thể khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản, có tác động xấu đến môi trường và mất mỹ quan, ảnh hưởng hệ sinh thái, nguy cơ cao mất đi vĩnh viễn những khối địa chất thiên tạo hùng vĩ trong vùng Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn?
CVĐC Lạng sơn được UBND tỉnh thành lập từ tháng 12/2021 trên phạm của 8 huyện, thành phố của tỉnh. Sau gần 3 năm thành lập, tháng 9/2024, tại Hội nghị lần thứ 8, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu UNESCO, và là CVĐC toàn cầu thứ 4 trong cả nước. Mục tiêu thành lập CVĐC là thực hiện quan điểm của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững, tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa và tự nhiên của tỉnh nhà.
Việc khai thác khoáng sản trong vùng CVĐC là song song giữa các hoạt động phát triển kinh tế và công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa trên cơ sở tuân thủ các quy định của luật pháp. Do đó, các hoạt động khai thác, chế biến khoảng sản và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng CVĐC Lạng Sơn vẫn diễn ra bình thường theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tại vùng CVĐC Lạng Sơn có 47 giấy phép. Các mỏ khai khoáng trên cơ bản chưa ảnh hưởng nhiều đến 4 tuyến du lịch CVĐC Lạng Sơn.
Về giải pháp thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền về CVĐC Lạng Sơn; tăng cường quản lý các cơ sở khai thác khoáng sản; đẩy mạnh kiểm tra, rà soát, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp đối với các doanh nghiệp năng lực yếu kém, không thực hiện đúng quy định pháp luật, gây ô nhiêm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân và vùng CVĐC.
Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu Lộc Minh Hiệp, Phó Trưởng Ban Dân tộc, Tổ đại biểu thành phố Lạng Sơn liên quan đến việc đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất chợ Bờ Sông tại phường Vĩnh Trại và phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.
Khu đất chợ Bờ Sông được UBND tỉnh phê duyệt phương án đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất tại Quyết định số 1477/QĐ-UBND ngày 18/9/2023 và phê duyệt đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất tại Quyết định số 1574/QĐ-UBND ngày 30/9/2023. Diện tích đấu giá quyền thuê đất là 9.906,2 m2. Sau khi đấu giá thành công, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chi tiết, gồm: giao thông, cảnh quan nội bộ; quy hoạch bãi đỗ xe ngầm với quy mô 2 tầng hầm, diện tích khoảng 7.328 m2; các hạng mục khác theo quy hoạch, số tầng cao tối đa từ 1 đến 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%. Mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ. Đơn vị được giao tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền thuê đất là Trung tâm Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đơn vị được giao thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng giá khởi điểm để đấu giá theo quy định và chỉ đạo thực hiện đấu giá là Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường ký Hợp đồng số 14/2023/HĐKT với đơn vị tư vấn xác định giá đất là Công ty Cổ phần tài chính VIICY Việt Nam. Trên cơ sở kết quả chứng thư thẩm định giá của tư vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của tỉnh xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể đã ban hành Công văn số 13/TB-HĐTĐGĐ ngày 18/01/2024 và Công văn số 1807/TB-HĐTĐGĐ ngày 15/6/2024 trả lại hồ sơ để Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo quy định, do: (1) Đơn vị tư vấn chưa khảo sát, thu thập đầy đủ thông tin về khu đất cần định giá, chưa mô tả hình thể khu đất; (2) Thông tin tài sản so sánh được thu thập không đảm bảo trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm định giá trở về trước và cần tiếp tục rà soát, làm rõ thời điểm định giá đất; (3) Cách thức thu thập thông tin, phiếu thu thập thông tin chưa bảo đảm theo quy định; (4) Các yếu tố ảnh hưởng, tỷ lệ điều chỉnh giá đất giữa tài sản so sánh và tài sản thẩm định chưa phù hợp và đảm bảo theo quy định.
Trong thời gian Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại phương án giá đất cụ thể, ngày 27/6/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất (hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, thay thế Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất). Theo đó UBND tỉnh phải quy định một số chỉ tiêu cụ thể để áp dụng phương pháp định giá đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn để có cơ sở xác định giá đất cho các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó bao gồm nội dung xác định giá khởi điểm đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền với đất khu đất chợ Bờ Sông. Ngày 30/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/2024/QĐ-UBND về quy định một số chỉ tiêu cụ thể để áp dụng phương pháp định giá đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) thì hình thức thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất có thay đổi, cụ thể: theo quy định tại Điều 125 Luật Đất đai năm 2024, thì việc đấu giá khu đất chợ Bờ Sông thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm. Do đó cần thực hiện xây dựng, ban hành lại các quyết định liên quan đến đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất chợ Bờ Sông; trên cơ sở đó tiếp tục xác định giá đất cụ thể, giá khởi điểm để đấu giá theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nêu trên, ngày 4/12/2024, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp chuyên đề và ngày 7/12/2024 ban hành Thông báo số 685/TB-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt lại phương án đấu giá chậm nhất ngày 15/12/2024; quyết định đấu giá quyền sử dụng đất chậm nhất ngày 31/12/2024; hoàn thành các thủ tục bảo đảm trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để đấu giá quyền sử dụng đất chậm nhất ngày 31/01/2025.
Sau khi hoàn thành các thủ tục liên quan, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền thuê đất và bán tài sản gắn liền trên đất khu đất chợ Bờ Sông tại phường Vĩnh Trại và phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn để thực hiện dự án theo quy hoạch; phấn đấu tổ chức đấu giá trong quý I/2025.
Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Tài, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Tổ đại biểu huyện Đình Lập về phản ánh của một số nhà đầu tư khi thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy... kéo dài với nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó việc khảo sát, thẩm định còn kéo dài cứng nhắc, khiến một số doanh nghiệp nản lòng khi muốn đầu tư vào tỉnh. Giải pháp khắc phục tình trạng trên nhằm cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới?
Theo quy định pháp luật, thời gian xử lý thủ tục hành chính đối với việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án là không quá 35 ngày. Tỉnh đã nghiêm túc phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo tuân thủ quy định này. Tuy nhiên, trong quả trình thực hiện, vẫn có một số trường hợp bị kéo dài do các quy trình thẩm định bổ sung, chất lượng hồ sơ trình thẩm định của nhà đầu tư.
Các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy đều có khung thời gian xử lý cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện, một số thủ tục kéo dài do quy trình phức tạp hoặc phải xin ý kiến bộ, ngành trung ương.
Việc khảo sát thực địa trong quá trình thẩm định không được quy định bắt buộc trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm định tổ chức khảo sát thực tế (khi cần thiết) để đảm bảo thẩm định chính xác, khách quan. Những cuộc khảo sát này thường được thực hiện trong khung thời gian xử lý thủ tục hành chính.
UBND tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện tình trạng kéo dài giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy và các lĩnh vực khác. Cụ thể: rà soát và tinh gọn quy trình; công khai quy trình; nâng cao chất lượng thẩm định; tăng cường phối hợp… Trong thời gian tới, UBND tỉnh cam kết tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, cải tiến quy trình thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Bế mạc kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh: Thông qua 27 nghị quyết quan trọng
- Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVII: Phiên họp phản ánh kết quả thảo luận tổ
- Khai mạc kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVII
- Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVII: Đại biểu thảo luận sôi nổi tại tổ về 4 nhóm lĩnh vực
- Khai mạc kỳ họp thứ 31 HĐND tỉnh khóa XVII
Ý kiến ()