4.0 và đại dịch: Thế giới đổi thay hay quay lại như xưa?
Ảnh minh họa |
Sau đại dịch, bên cạnh nhiều thứ sẽ đổi thay mạnh mẽ, thì nhiều giá trị tưởng chừng đã lỗi thời cũng sẽ được khẳng định lại.
Như đã nêu, từ đầu những năm 1990, quá trình siêu toàn cầu hóa bước sang một chu kì mới dựa trên sự trao đổi với quy mô lớn: Các sản phẩm công nghiệp giá rẻ của phương Đông được đổi lấy các công nghệ và sáng chế của phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác dần đạt đến trình độ phát triển và họ có thể độc lập sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, tiền lương tại đây cũng tăng rất nhiều đến nỗi việc các công ty phương Tây chuyển sản xuất ra nước ngoài đã trở nên không có lợi như trước.
Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ mà các nước phương Tây được hưởng lợi phần lớn là nhờ vào việc bơm tiền cho sự nghiệp công nghiệp hóa tại các nước đang phát triển. Hơn 62% GDP của EU là nhờ dịch vụ. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Từ cuối năm 2018, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của châu Âu đã nhận thấy sự suy giảm của thương mại quốc tế trong cơ cấu GDP toàn cầu. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này chính là do chính sách kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Sau khủng hoảng 2008, trước sự thoái vốn ồ ạt, chính phủ các nước này bắt đầu tập trung vào xây dựng thị trường tiêu thụ tại chính quốc và sản xuất công nghiệp cũng theo định hướng này.
Xu hướng tự điều chỉnh và thay đổi cấu trúc kinh tế đã và đang dẫn tới phi toàn cầu hóa.
Kết quả khảo sát do Viện Kinh tế Munich (IFO) thực hiện cho thấy khoảng 56% người dân tại EU không muốn toàn cầu hóa tiếp tục (cao nhất là tại Pháp – 85%, Đức – 64% và Áo – 70%). Tại Mỹ, con số này là 70%. Chỉ có công dân ở các quốc gia Scandinavi và Nhật Bản với đa số là vẫn mong muốn quá trình này được tiếp tục.
Theo ghi nhận của WTO, các hạn chế thương mại sau 10 năm kể từ năm 2008 đã tăng lên gấp 10 lần.
Đại dịch làm thay đổi sản xuất công nghiệp
Trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, nhờ các thành tựu của số hóa mà nhiều ứng dụng đã được triển khai trong thực tế. Để giảm thiểu rủi ro từ lây nhiễm, nhiều robot đã được sử dụng để cấp phát thuốc men, đồ ăn, lấy mẫu bệnh phẩm…
Sử dụng robot sẽ không phải trả lương, không phải lo bảo đảm các phúc lợi xã hội và không lo bị kiện cáo vì “cưỡng bức lao động” – làm việc suốt ngày đêm.
Vào những năm đầu 1990, “bức màn sắt” cấm vận được dỡ bỏ đã thúc đẩy sự liên kết toàn cầu. Dòng đầu tư ồ ạt chảy về phương Đông mà đại diện là Trung Quốc. Thời kỳ đầu những năm 1990-2008 được coi là siêu toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng toàn cầu chiếm tới 60% tổng giá trị buôn bán trên toàn thế giới đã giúp cho những ngành như vận chuyển container cũng nở rộ. Khủng hoảng kinh tế 2008 đã đánh dấu mốc kết thúc của thời kỳ siêu toàn cầu hóa và từ 2011 thì đà tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng hết thời.
Khi đại dịch COVID-19 ngày càng trầm trọng thì hơn lúc nào hết những rủi ro vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên rõ ràng. Sản xuất bị đình trệ, hàng hóa cũng không đến được với người tiêu dùng. Chính vì thế, các tập đoàn kinh tế lớn, những doanh nghiệp đang có cơ sở sản xuất sử dụng lao động giá rẻ đang có chiến lược chuyển sang sử dụng nguồn “nhân lực miễn phí” là những robot.
Đầu tư vào robot thực ra đã trở thành trào lưu từ giữa những năm 1990 của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, thường tỷ lệ robot hóa đã đạt mức 50-60%.
Khoảng 2-3 năm trở lại đây khi công nghiệp 4.0 nở rộ thì xu hướng robot hóa tại các nước phát triển lại càng phát triển mạnh. Năm 2017, cứ 10.000 lao động ở Đức có 322 robot. Cao nhất là tại Hàn Quốc, 10.000 lao động có 710 robot. Con số này ở Sigapore là 658, tại Mỹ là 200.
Theo Dalian Marin, giáo sư thuộc Đại học Ludwig-Maximilia tại Munich, do ảnh hưởng của đại dịch mà trong một số ngành nghề tại các nước phương Tây, tỷ lệ robot có thể lên tới 75%. Khuynh hướng này sẽ tập trung vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ như tại Đức, đó là công nghiệp ô tô, thiết bị vận tải, điện tử và dệt may, những ngành này phải nhập khẩu tới 12% giá trị từ các nước có lao động giá rẻ (trong khi đó lượng nhập khẩu phục vụ sản xuất bình quân của nước này chỉ là 6%).
Cũng theo Dalian Marin, các ngành công nghiệp có xu hướng chuyển sản xuất về chính quốc chủ yếu là công nghiệp hóa chất, chế biến kim loại, thiết bị điện và điện tử. Xu hướng này đặt ra nguy cơ nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, nơi có sản xuất với chi phí thấp và phụ thuộc vào xuất khẩu chuỗi hàng hoá trung gian. Chính vì vậy mà các nước ở Trung và Đông Âu đã tích cực đầu tư vào robot hóa. Tại Czech, Slovakia và Slovenia, những nước có các cơ sở sản xuất ô tô lớn của nước ngoài được đặt tại đây thì tỷ lệ robot/10.000 nhân lực hiện đã cao hơn cả Mỹ và Pháp.
Xu hướng robot hóa trong sản xuất một mặt giúp giảm thiểu rủi ro cho các tập đoàn công nghiệp lớn tại phương Tây nhưng cũng là thách thức rất lớn không chỉ cho các nước đang phát triển mà còn cho rất nhiều lao động tại nơi mà trình độ tự động hóa cao ở các nước phát triển.
Lại đến thời “hết gạo chạy rông…”
Trong một cuộc họp trực tuyến mới đây do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức, David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho biết: “Trên thế giới có khoảng 821 triệu người hẳng ngày đi ngủ với cái bụng đói. Hiện có 135 triệu người thường xuyên ở trong tình trạng đói lả. Do dịch COVID-19, trong năm 2020 sẽ có thêm khoảng 130 triệu người có nguy cơ bị nạn đói đe dọa. Điều đó có nghĩa là sẽ có khoảng 265 triệu người tại 30 quốc gia cần được cứu đói. Chính vì vậy mà cần phải bảo đảm quyền được tiếp cận với thực phẩm, không cho phép làm gián đoạn nguồn lực tài chính và thương mại trong lĩnh vực này”.
Nạn đói do các cuộc xung đột vũ trang liên miên đã đành, nay do đại dịch thì lại càng thêm trầm trọng bởi có những quốc gia như Nam Sudan 98,8% xuất khẩu phụ thuộc vào dầu mỏ, nay giá dầu “lay lắt”, giá một tấn dầu chỉ bằng và thậm chí còn rẻ hơn một tấn ngũ cốc thì làm sao có thể đủ tiền để mua lương thực, thực phẩm? Hay như Ethiopia, nơi mà 47% ngân sách phụ thuộc vào du lịch, mọi đường bay đến đó đều ngừng thì nạn đói đe dọa cũng là điều dễ hiểu.
Trong hoàn cảnh đại dịch, ngay cả các quốc gia phát triển, những nước không tự chủ được lương thực thực phẩm như Na Uy thì cũng là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Mặc dù có quỹ hưu trí “khủng” nhất thế giới (khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, tức là mỗi người dân Nauy bình quân có trên 200.000 USD tiền hưu trí) nhưng theo Pal Steigan, nhà báo đảng viên Đảng cộng sản Na Uy thì “Từ năm 1928 đến 1996, Na Uy ban hành chính sách dự trữ lương thực tối đa đủ cho toàn quốc dùng một năm và cứ như vậy, đều đặn ngũ cốc luôn chất đầy kho. Nhưng từ sau 1996, lương thực bắt đầu được bán tháo và từ 2003, tích trữ lương thực đã bị đình chỉ. Hiện nay, Na Uy phải nhập khẩu phần lớn ngũ cốc cả để làm lương thực và cả để cho chăn nuôi. Năm 2019, Na Uy chỉ tự túc được 39% lương thực và từ 40-45% thức ăn cho chăn nuôi cũng vậy”.
Mặc dù Bộ trưởng Nông nghiệp Na Uy Olaug Bollestad đã tuyên bố, để bảo đảm an ninh lương thực ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng thì cả sản xuất lẫn thương mại trong lĩnh vực này đều phải được duy trì nhưng cũng theo Pal Steigan thì: “Hệ thống thương mại toàn cầu rất mong manh và dễ bị đổ vỡ trong điều kiện khủng hoảng. Năm 2010, chỉ vì giá nông sản tăng gấp đôi mà tại 30 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Cận Đông đã nổ ra các cuộc xung đột…”.
Theo Martin Caparros, tác giả cuốn sách “Nạn đói” thì 75% lượng ngũ cốc lưu thông trên thị trường lương thực thế giới do 4 công ty “đầu nậu” kiểm soát là ADM, Bunge, Cargill (đều là công ty Mỹ) và Dreyfus (Hà Lan). Như nhà văn người Đức Bertolt Brecht đã viết: “Nạn đói thì chưa xuất hiện mà các nhà buôn bánh mì đã tự tạo ra nó”.
An ninh lương thực luôn là vấn đề sống còn. Ngay cả khi người dân ngồi ở nhà cách ly thì họ vẫn cần phải ăn, phải uống.
Dịch bệnh hoành hành khiến nông nghiệp tại các quốc gia châu Âu thiếu lao động nghiêm trọng mà mùa vụ gieo hạt và thu hoạch rau quả đang cận kề.
Những bài học từ quá khứ
Sau khi đại dịch qua đi, nhưng hậu quả của nó để lại với một số ngành nghề như du lịch, khách sạn, ăn uống, vận tải hành khách… sẽ cần phải khá lâu sau mới hồi phục lại được như cũ, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều hình thức kinh doanh mới ngay trong lĩnh vực này dựa trên các ứng dụng số hóa để nâng cao hiệu quả. Và ý kiến của Joseph E.Stiglitz, giáo sư kinh tế trường Đại học Columbia, giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001, tác giả cuốn sách “Con người, quyền lực và lợi nhuận. Chủ nghĩa tư bản tiến bộ trong kỷ nguyên bất mãn” chính là những gì mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm từ khủng hoảng nói chung và đại dịch nói riêng cũng như định hướng cho tương lai:
“Trước đây, các kinh tế gia thường hay mỉa mai trước việc một số nước duy trì chính sách an ninh năng lượng và an ninh lương thực. Họ cho rằng thời toàn cầu hóa nơi biên giới quốc gia chẳng còn nhiều ý nghĩa. Nếu như có chuyện gì xảy ra thì chúng ta có thể cầu viện các nước khác trợ giúp nhưng giờ đây bỗng dưng cửa ngõ biên cương đều khép lại khi mà những chiếc khẩu trang và thiết bị y tế đều thiếu hụt thì các quốc gia đều muốn ngăn giữ chúng lại cho mình.
Đại dịch COVID-10 nhắc chúng ta phải ghi nhớ rằng quốc gia vẫn mãi luôn là đơn vị kinh tế và chính trị cơ bản.
Với mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng hiệu quả, chúng ta đã lùng sục khắp hành tinh để tìm ra nhà sản xuất có giá rẻ nhất trong chuỗi cung ứng này. Nhưng hóa ra chúng ta đã rất thiển cận, xây dựng một hệ thống không ổn định, không đủ đa dạng và không được bảo vệ trước những sự cố. Một hệ thống vận hành với mức tồn kho thấp đến mức bằng không có thể khắc phục được những vấn đề lặt vặt nhưng cả hệ thống lại bị đổ vỡ trước những cú sốc bất ngờ.
Khủng hoảng tài chính 2008 đáng ra phải trở thành bài học cho chúng ta về khả năng phục hồi nhưng hệ thống tài chính mà chúng ta đã tạo dựng cũng chỉ có khả năng giảm thiểu trước những biến động nhỏ chứ vẫn rất mong manh trước khủng hoảng sâu như đại dịch lần này. Nếu không có sự trợ giúp quyết liệt của chính phủ thì hệ thống này đã sụp đổ giống như bong bóng bất động sản trong quá khứ. Rõ ràng là chúng ta vẫn chưa rút ra được cho mình bài học về điều này.
Mô hình kinh tế mà chúng ta sẽ tạo dựng sau đại dịch cần phải vừa có tầm nhìn, vừa bền vững và vừa rất nhạy cảm trước một thực tế là toàn cầu hóa về kinh tế đã bỏ xa toàn cầu hóa về chính trị. Nếu tình hình vẫn như cũ thì các quốc gia sẽ buộc phải tìm sự cân bằng bền vững hơn nữa giữa lợi ích của toàn cầu hóa và tự lực tự cường”.
Phát biểu dành cho Foreign Policy của Nicholas Burns, giáo sư Trường Kinh tế Harvard, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các vấn đề chính sách có lẽ là hoàn toàn xác đáng:
“Đại dịch COVID-19 đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất trong vòng 100 năm qua. Quy mô và sức tàn phá của nó thật là kinh khủng, đe dọa đến sức khoẻ của mỗi người trong số 7,8 tỷ dân trên hành tinh. Về mặt kinh tế tài chính, nó đã vượt qua cuộc đại suy thoái kinh tế 2008-2009. Mỗi một cuộc khủng hoảng đều gây nên những chấn động làm thay đổi hẳn hệ thống quốc tế và cán cân lực lượng mà chúng ta đã quen thuộc.
Mối quan hệ hợp tác mà chúng ta đã tạo dựng thật tiếc là chưa hoàn thiện… Tuy nhiên, tại mỗi quốc gia lại luôn hiện hữu rất nhiều tấm gương về nghị lực của con người. Từ các bác sĩ, y tá đến các chính trị gia và ngay cả những người dân thường đều thể hiện được sự bền gan, hiệu quả và tư chất thủ lĩnh. Điều này đã đem lại niềm tin vào con người khi phải đối diện trước những thách thức để cùng hợp lực và vượt qua gian khó”.
Ý kiến ()