378 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xử lý
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tính đến cuối 12/2013, cả nước đã có 378/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, tính đến cuối 12/2013, cả nước đã có 378/439 cơ sở đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải và cải thiện môi trường làng nghề, khu, cụm công nghiệp, các lưu vực sông cũng được tăng cường. Đến nay, cả nước đã có 141/194 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải theo quy định, 378/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2013, toàn ngành đã đồng loạt đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, với gần 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra đối với hơn 1.400 tổ chức, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm trên toàn bộ các lĩnh vực, giải quyết dứt điểm được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, tồn đọng kéo dài.
Bộ cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ của 20 hồ chứa trên 5 lưu vực sông quan trọng, hoàn thành việc xác định và lập danh mục của 3.450 con sông với chiều dài từ 10 km trở lên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, mặc dù đã đạt được nhiều kết quản quan trọng, tuy nhiên, việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa nghiêm. Bởi vậy, năm 2014, ngành Tài nguyên và Môi trường xác định nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh thực thi pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành.
Bộ trưởng nhấn mạnh về những lĩnh vực quan trọng sẽ được tập trung thanh, kiểm tra: Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; xử lý vi phạm trong việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư khu đô thị.
Cùng với đó là hoàn thiện luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, nguồn tài trợ của các nước, tổ chức quốc tế cho công tác tài nguyên và môi trường nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý tổng hợp và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; phòng ngừa và xử lý ô nhiễm; nâng cao năng lực và thể chế quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Theo CPV
Ý kiến ()