3 dự án luật nào được Bộ Công an trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới?
Sáng 24-3, tại Hà Nội, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức tọa đàm, trao đổi, cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo 8 dự án luật, trong đó có 3 dự án luật trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Các đại biểu dự buổi tọa đàm. |
Tại tọa đàm, Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân nhấn mạnh: Việc xây dựng các luật đều dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn, quá trình xây dựng luật công phu, khách quan, nhằm bảo đảm thuận tiện nhất cho người dân. Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong đề nghị các phương tiện báo chí, truyền thông, bằng những nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, bảo đảm chính xác, kịp thời và thống nhất tuyên truyền về các dự án luật đạt hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về sự cần thiết, vị trí, vai trò quan trọng của các dự án luật đối với xã hội và công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Tại buổi tọa đàm, Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân đã làm rõ sự cần thiết ban hành, quan điểm, định hướng và những nội dung cơ bản của các chính sách trong các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Đại tá Trần Nguyên Quân, Phó cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân giới thiệu về các dự án luật. |
Về dự án Luật sửa đổi, một số điều của Luật Công an nhân dân, Đại tá Trần Nguyên Quân nhấn mạnh: Việc xây dựng luật nhằm thống nhất với quy định của Bộ Luật lao động năm 2019 về tăng hạn tuổi phục vụ đối với người lao động cho đến khi đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2028; 62 tuổi đối với nam vào năm 2035; cũng như các quy định của Luật Cảnh sát cơ động mới ban hành, các quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về kéo dài hạn tuổi phục vụ trong trường hợp đặc biệt….
Về việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, theo Đại tá Trần Nguyên Quân, luật này bản chất là điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung (các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay sẽ được kiện toàn thống nhất, quy định trong Luật, bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng).
Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác.
Các đại biểu tại tọa đàm. |
Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Đại tá Trần Nguyên Quân cho biết, Bộ Công an đã tiến hành cấp hơn 98 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên toàn quốc đang có trên hệ thống – đây là cơ sở quan trọng để xác lập danh tính điện tử của công dân, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, tiến hành cấp được gần 80 triệu thẻ căn cước công dân cho người đủ điều kiện cấp thẻ.
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; triển khai hiệu quả việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có bảo đảm giải quyết các thủ tục phục vụ công dân chính xác và thuận lợi.
Đặc biệt, việc xây dựng dự án luật sẽ nhằm phục vụ công dân số. Bởi lẽ, hiện nay, công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau, như căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, các loại bằng cấp, chứng chỉ…
Nhằm tạo điều kiện cho công dân, cần phải xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe… từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch theo quy định pháp luật.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/3-du-an-luat-nao-duoc-bo-cong-an-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-5-sap-toi-722782
Ý kiến ()