3 cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nông sản Trung Quốc
“Thiên thời, địa lợi và nhân hòa là ba cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam nên nắm bắt để chinh phục thị trường Trung Quốc”. Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) đã chia sẻ như vậy khi nói về tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết, thương mại nông sản là một lớp cắt nhỏ trong thương mại Việt-Trung nhưng lại rất quan trọng. Nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng của nông sản Việt Nam, ông Đỗ Nam Trung dẫn chứng: Trong tổng số lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, thì xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn như: Sầu riêng chiếm 95%, vải chiếm gần 90% và thanh long chiếm hơn 80%. “Một vài con số cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hàng nông sản của Việt Nam”, ông Đỗ Nam Trung nhấn mạnh.
Ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) nêu 3 cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường nông sản Trung Quốc. |
Trong bối cảnh hai nước nâng quan hệ lên tầm cao mới, điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội, thách thức mới, đòi hỏi phải có cách làm mới. Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho rằng, có ba từ khóa để nói về cơ hội cho thương mại nông sản Việt – Trung hiện nay. Đó là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Về thiên thời, hiện nay quan hệ 2 nước đang phát triển rất tốt đẹp, nhất là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây. Hai nước đều là thành viên của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) và mới đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Doanh nghiệp hai nước đều được hưởng các thuế quan ưu đãi thông qua các hiệp định thương mại tự do này.
Bên cạnh đó, sau 3 năm đại dịch, một trong những ưu tiên của Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng của người dân trong nước. Đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Mặt khác, tầng lớp trung lưu Trung Quốc chiếm tỷ lệ tương đối, là nhóm khách hàng chính sử dụng hàng nông sản chất lượng cao từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Một yếu tố khác đó là ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc cũng rất coi trọng thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Hai bên đề cao việc xuất khẩu nông sản sang thị trường của nhau. Do đó, Việt Nam có thể đàm phán, trao đổi nông sản với Trung Quốc ở vị thế ngang bằng.
Về địa lợi, theo Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung, đó là sự gần gũi về mặt địa lý giữa hai nước. Điều này tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, ở khu vực biên giới hai nước đều có chợ đầu mối, tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản. Những hàng nông sản tươi của Việt Nam có thể đến tay người tiêu dùng Trung Quốc một cách sớm nhất.
Về nhân hòa, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nghiệp. Trong hợp tác làm ăn, doanh nghiệp hai nước rất hiểu nhau để thúc đẩy làm ăn. Bên cạnh đó, thương mại nông sản được lãnh đạo cấp cao hai bên quan tâm thúc đẩy, thể hiện rõ qua hai chuyến thăm lẫn nhau của hai Tổng Bí thư thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường tỷ dân này cũng không nhỏ. Theo Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung, những thách thức này được gói gọn trong 5 từ khóa: Thị trường, chất lượng sản phẩm, tốc độ lưu thông, uy tín và tính bền vững.
Ông Đỗ Nam Trung phân tích, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng hướng tới tiêu chuẩn cao, hàng rào kỹ thuật cao cùng với thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Nông sản Trung Quốc ngày càng có chất lượng tốt, điều đó đòi hỏi Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Tốc độ lưu thông hàng hóa là từ vườn trồng của nông dân Việt Nam đến kệ bán trong siêu thị, chợ đầu mối thậm chí đến bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ lưu thông hàng hóa của Việt Nam đôi khi chưa được nhanh trong khi hai nước lại là láng giềng của nhau. Do đó, để đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa cần có sự tham gia của hiệp hội, ngành hàng. Khắc phục những khó khăn trên, nông sản Việt Nam mới có được vị trí bền vững ở thị trường Trung Quốc.
Nhấn mạnh ngành ngoại giao luôn xác định coi doanh nghiệp, người dân và địa phương là trung tâm phục vụ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung khẳng định cánh cửa của cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Trung Quốc luôn rộng mở đón các doanh nghiệp Việt Nam. “Các doanh nghiệp hiểu thị trường hơn chúng tôi, nhưng các cơ quan ngoại giao có thể chia sẻ thông tin với doanh nghiệp về pháp lý, tâm lý tiêu dùng hay thị trường…”, ông Đỗ Nam Trung chia sẻ.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()