27 tỉnh, thành Nam Bộ bàn phát triển sản xuất và tiêu thụ tôm nước lợ
Ngày 14-9, tại TP Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ. Dự hội nghị có đại diện UBND tỉnh, Sở NN-PTNT của 27 tỉnh, thành phố ven biển phía Nam.
Được biết, tính đến đầu tháng 9, diện tích thả nuôi tôm nước lợ cả nước hơn 664 nghìn ha, bằng 101% so với kế hoạch, trong đó diện tích nuôi thả nuôi tôm sú hơn 587 nghìn ha, tôm thẻ chân trắng hơn 76 nghìn ha. Tổng sản lượng thu hoạch đạt hơn 334 nghìn ha, bằng 104% so với kế hoạch. Phấn đấu cuối năm 2016, cả nước thả nuôi tôm nước lợ đạt hơn 683 nghìn ha, với sản lượng hơn 680 nghìn tấn…
Tại hội nghị, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, nhất là các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau có tiềm năng, lợi thế nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản. Trong đó, mô hình nuôi tôm nước lợ đang được đánh giá cao, ít tác động đến môi trường. Vì vậy, để con tôm nâng cao giá trị kinh tế, các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng sản phẩm con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia và hướng đến Việt Nam hình thành ngành công nghiệp tôm.
Bộ trưởng NN-PTNT chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các giải pháp quản lý tiên tiến vào sản xuất; tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi, ao nuôi; tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung triển khai xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng; phát triển mở rộng một số diện tích tôm – lúa ở những nơi có đủ điều kiện; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt Nam đứng hàng đầu thế giới…
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, khẳng định: Mô hình nuôi tôm nước lợ ở địa phương trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn; thường xuyên đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh; môi trường đất, nước đang có dấu hiệu suy thoái, ô nhiễm; hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm thủy sản còn thấp…
Nhiều giải pháp để phát triển các mô hình nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới đã được các đại biểu đưa ra tại hội nghị mang tính khả thi cao, có thể áp dụng ngay. Một số đại biểu cũng lo lắng về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm tôm xuất khẩu, như: cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu; buộc các nhà máy chế biến cam kết không thu mua tôm nguyên liệu có bơm chích tạp chất…
Theo Nhandan
Ý kiến ()