250 đại biểu cùng thảo luận, tháo gỡ nút thắt cho tự chủ đại học
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát, quyết định chính sách.
Hôm nay, 27/11, hơn 250 đại biểu đã cùng tham dự, thảo luận về vấn đề tự chủ đại học tại Hội thảo “Tự chủ trong giáo dục đại học-Từ chính sách đến thực tiễn”. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hiện đang công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học; lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành trung ương; các tổ chức quốc tế; các nhà quản lý đại diên cơ sở giáo dục đại học. Đặc biệt hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, có đại diện của nhiều bên, từ các cơ quan quản lý nhà nước đến lãnh đạo các trường đại học công lập và ngoài công lập.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong giáo dục đại học, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2019; trên cơ sở đó đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế của đất nước.
Với hình thức tổ chức trình bày tham luận có tương tác giữa các diễn giả và đại biểu tham dự, ngoài phiên khai mạc và bế mạc, hội thảo sẽ được chia thành phiên chính, gồm phiên về các vấn đề chung và hai phiên chuyên đề sâu về cơ chế tự chủ và về tự chủ tài chính trong giáo dục đại học.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định trên 30 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mạng lưới các trường phát triển nhanh và đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên trong thực thi còn những khó khăn, còn rào cản, còn khoảng cách, là một nội dung trong những thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của giáo dục đại học Việt Nam.
Do đó, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá chủ đề hội thảo Ủy ban Văn hóa Giáo dục lựa chọn là rất ý nghĩa. Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai. Trên cơ sở đó, các đại biểu sẽ đề xuất những ý tưởng, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, hướng thực hiện và kinh nghiệm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả tự chủ giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của các cơ sở đại học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đề nghị hội thảo thảo luận dân chủ thảo luận, tập trung vào một số nội dung. Thứ nhất là quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các đại học. Thứ hai là quyền tự chủ học thuật, trong hoạt động chuyên môn. Thứ ba là quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự liên quan đến cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, về tiêu chuẩn, danh mục việc làm liên quan đến tuyển dụng… Thứ tư là cần hoàn thiện và mẫu mực về quyền tự chủ trong tài chính và tài sản .
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, kết quả hội thảo sẽ góp phần cung cấp cơ sở, lý luận thực tiễn cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát và quyết định các chính sách phát triển giáo dục đại học, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển giáo dục đại học hiệu quả hơn trong thời gian tới./.
Ý kiến ()