25 năm xây dựng và phát triển Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Ðảng
Năm1986, Đảng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, tăng cường công tác nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác tổng kết lịch sử Đảng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, ngày 19-8-1987, Viện nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh tụ khác của Đảng trực thuộc Viện Mác - Lê-nin được thành lập theo Quyết định số 577/QĐ-ML, trên cơ sở sáp nhập Ban Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Ban sách Hồ Chí Minh của Viện xuất bản Kinh điển - Văn kiện Đảng thuộc Viện Mác - Lê-nin.Ngày 1-3-1995, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (thuộc Học viện Chính trị quốc gia) được thành lập. Sau khi Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh hợp nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (30-10-1996), Viện nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của Đảng được hợp nhất với Khoa Tư tưởng Hồ Chí...
Năm1986, Đảng ta tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện, trong đó có đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, tăng cường công tác nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác tổng kết lịch sử Đảng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó, ngày 19-8-1987, Viện nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh tụ khác của Đảng trực thuộc Viện Mác – Lê-nin được thành lập theo Quyết định số 577/QĐ-ML, trên cơ sở sáp nhập Ban Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Ban sách Hồ Chí Minh của Viện xuất bản Kinh điển – Văn kiện Đảng thuộc Viện Mác – Lê-nin.
Ngày 1-3-1995, Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh (thuộc Học viện Chính trị quốc gia) được thành lập. Sau khi Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh hợp nhất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (30-10-1996), Viện nghiên cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của Đảng được hợp nhất với Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh thành Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (gọi tắt là Viện Hồ Chí Minh).
Với chức năng và nhiệm vụ được giao là cơ quan duy nhất của quốc gia có nhiệm vụ chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới dạng sách toàn tập, tuyển tập, các sách chuyên đề: Hồ Chí Minh Toàn tập (10 tập), xuất bản lần thứ nhất (1990); Hồ Chí Minh Toàn tập (12 tập), xuất bản lần thứ hai (1996); Hồ Chí Minh Tuyển tập (3 tập) và đĩa CDROM Hồ Chí Minh Toàn tập (2002); Hồ Chí Minh – Toàn tập (15 tập) xuất bản lần thứ ba (2010); Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Hồ Chí Minh – Tiểu sử, Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (3 tập); Hồ Chí Minh – Về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội; Tư tưởng Hồ Chí Minh – về đại đoàn kết; – về kinh tế, – về công nghiệp; – về nông nghiệp và nông dân; Nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, v.v.
Những kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng để xác định những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực vào việc khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu này cũng là cơ sở và nội dung khoa học cơ bản cho việc hình thành các giáo trình, sách giáo khoa môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2006 đến nay.
Từ năm 1989, Viện Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, biên soạn một số sách chuyên đề, hồi ký về các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tổ chức và cùng tổ chức các hội thảo khoa học, mít-tinh kỷ niệm những năm chẵn Ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Các tuyển tập văn kiện, tác phẩm, bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cũng được Viện Hồ Chí Minh tập hợp. Phòng tư liệu về Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước lưu trữ tại Viện hiện nay khá phong phú, với khoảng 25.000 trang tư liệu gồm nhiều thể loại về Hồ Chí Minh, gia phả, tộc phả một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước… Đây là cơ sở để Viện Hồ Chí Minh thực hiện thành công Chương trình sưu tầm tư liệu và viết tiểu sử 10 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước do Ban Bí thư giao (2003-2006). Bộ sách tiểu sử các đồng chí: Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng đã được xuất bản cùng với cuốn Hồ Chí Minh – Tiểu sử (2006). Tiếp nối thành công đó, năm 2009, Viện Hồ Chí Minh tiếp tục được Ban Bí thư giao thực hiện Chương trình sưu tầm tài liệu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam (gồm 11 đồng chí). Chương trình này đến nay đã cơ bản hoàn thành và các cuốn tiểu sử sẽ được xuất bản trong năm 2013.
Các cán bộ khoa học của Viện Hồ Chí Minh cũng đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng công tác giảng dạy, đào tạo của Viện Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cao. Viện Hồ Chí Minh đã hoàn thành 10 khóa đào tạo cán bộ giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh với hàng trăm giảng viên, cung cấp đội ngũ cán bộ giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh cho các trường chính trị và hệ thống giáo dục quốc dân…
Trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, Viện Hồ Chí Minh đã và đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hồ Chí Minh thuộc Trường đại học tổng hợp Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Trường Đại học Bắc Kinh, Ban Văn hiến thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, v.v. Viện Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tọa đàm với giới nghiên cứu, báo chí nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Viện Hồ Chí Minh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (1991), Huân chương Lao động hạng nhất (1998); Huân chương Độc lập hạng ba (2007). Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập (19-8-2012), Viện Hồ Chí Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện trong 25 năm qua của nhiều thế hệ cán bộ Viện Hồ Chí Minh. Vinh dự này là niềm tự hào để Viện Hồ Chí Minh nỗ lực, hoàn thành tốt hơn nữa những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Đây cũng là nguồn động viên kịp thời và to lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trong giai đoạn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()