23 cầu trên các tuyến quốc lộ: Động lực phát triển kinh tế-xã hội
Toàn bộ 23 cây cầu mới được bổ sung vào dự án tín dụng giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 được khởi công cuối năm 2019 đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Ông Phạm Ngọc Biên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết toàn bộ 23 cây cầu mới được bổ sung vào dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2 (TSL2) được khởi công cuối năm 2019 đến nay đã hoàn thành thi công và đưa vào khai thác.
Hiện các đơn vị của Ban đang thực hiện công tác nghiệm thu và quyết toán xây dựng.
Theo ông Phạm Ngọc Biên, trong số 23 cây cầu vừa hoàn thành, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 1 cầu, Thanh Hóa: 4 cầu, Nghệ An: 2 cầu, Hà Tĩnh: 1 cầu, Quảng Trị: 1 cầu, Quảng Nam: 6 cầu, Long An: 6 cầu, Kiên Giang: 1 cầu và Vĩnh Long: 1 cầu.
Đánh giá về ý nghĩa của các cầu thuộc dự án TSL2 sau khi hoàn thành, phát biểu tại lễ khánh thành 6 cầu tại Long An thuộc dự án này giữa tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh sau khi hoàn thành các cầu thuộc dự án này sẽ nâng cao năng lực vận tải, chống ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân và địa phương nơi thực hiện dự án. Ngoài ra, các cầu được xây dựng mới sẽ góp phần đồng bộ với tiêu chuẩn của các tuyến quốc lộ đang khai thác.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc hoàn thành 23 cầu này chỉ trong 8 tháng thi công ghi nhận sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án 6 và các đơn vị thi công, đặc biệt là sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6, cho hay với đặc điểm dự án phải chia ra nhiều gói thầu nhỏ với giá trị các cầu không lớn, lại nằm tại nhiều tỉnh, thành trải dài trên toàn quốc nên việc quản lý dự án gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý, đảm bảo chất lượng công trình vì lực lượng cán bộ của đơn vị mỏng.
Tuy nhiên, với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên dự án đến nay đã về đích đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan, được nhà tài trợ vốn là JICA đánh giá cao.
Trực tiếp điều hành quản lý 6 cầu trên địa bàn tỉnh Long An, chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Minh, Trưởng phòng Điều hành dự án 1 (PMU6) cho biết, trong quá trình triển khai tổ chức thi công, dự án có thuận lợi là nguồn vốn ODA và vốn đối ứng được cấp đủ từ phía JICA và Bộ Giao thông Vận tải.
Đồng thời, dự án nhận được sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương trong giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, dự án cũng gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh cần phải thi công gấp rút để hoàn thành công trình trước khi hiệp định vay vốn của dự án đóng vào tháng 7/2020.
“Để khắc phục khó khăn, trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, chúng tôi yêu cầu các nhà thầu thực hiện các quy định về an toàn, giữ nguyên lực lượng nhân công trên các công trình, đồng thời thực hiện đúng các quy định về cách ly và giãn cách xã hội,” ông Phạm Văn Minh chia sẻ.
Là một địa phương được hưởng lợi từ dự án, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Long An, cho biết trước đây, cầu Tân An cũ đã được cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt cầu từ lề bộ hành, nhưng vẫn không thể đáp ứng năng lực khai thác khi chỉ có hai làn xe, dẫn tới tình trạng thường xuyên ùn tắc vào các giờ cao điểm, nhất là các ngày lễ, Tết.
“Đến nay, công trình cầu Tân An mới – một trong 6 cầu trên địa bàn thuộc dự án TSL2 đã hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo cho người dân và phương tiện đi lại an toàn, thông suốt trên hành trình từ tuyến Quốc lộ 1 từ Tp. Hồ Chí Minh đi miền Tây và ngược lại,” ông Trung cho hay.
Còn theo ông Trần Quốc Hợp, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long, cho hay được sự quan tâm của Bộ Giao thông Vận tải cho đầu tư xây dưng mới cầu Măng Thít trên Quốc lộ 53 đã đem lại niềm vui cho bà con trong vùng bởi không còn cảnh tắc cầu mỗi buổi tan tầm hoặc ngày lễ, tết. Ngoài ra, cầu hoàn thành sẽ tạo đồng lực phát triển kinh tế trong vùng, đặc biệt là vận tải thủy sẽ phát triển khi đã được khắc phục vì cầu Măng Thít mới với độ tĩnh không 7 mét cho phép các tàu trọng tải lớn hơn đi qua.
“Hiện trên địa bàn còn một số cầu tương tự như cầu Măng Thít cũ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, nhà tài trợ vốn JICA quan tâm đầu tư trong thời gian tới, qau đó góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo cho bà con,” ông Trần Quốc Hợp nhấn mạnh.
Tại huyện Hòn Đất, một huyện còn nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội của tỉnh Kiên Giang, trong đợt này Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ưu tiên đầu tư xây dựng cầu Vàm Rày trên Quốc lộ 80.
Ông Vũ Đỗ Quốc Quân, trú tại ấp Thuận Tiến, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất nơi có cầu Vàm Rầy mới được xây dựng, phấn khởi chia sẻ ngay sau khi được tin Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư xây dựng mới cầu Vàm Rầy, bà con rất háo hức, phấn khởi. Mặc dù trong quá trình thi công còn gặp một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng nhưng bà con đã cùng chính quyền địa phương nhanh chóng tháo gỡ để tạo điều kiện cho đơn vị thi công hoàn thành cầu.
Ông Vũ Đỗ Quốc Quân chia sẻ thêm: “Cầu Vàm Rầy cũ được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt khổ cầu hẹp, tải trọng nhỏ, thường xuyên bị ngập nước đã làm giảm khả năng lưu thông, gây khó khăn cho bà con tham gia giao thông. Khi có cầu mới, chắc chắn hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa sẽ thuận lợi hơn. Như vậy hoạt động kinh tế xã hội sẽ phát triển góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con.”
Ông Kota Murakami, Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, đánh giá đối với dự án TSL2 do JICA tài trợ, đặc biệt là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đến thời điểm này Ban Quản lý dự án 6 đã hoàn thành tốt công việc của mình, đặc biệt là chất lượng và mỹ quan công trình. Có thể nói mạng lưới đường quốc lộ của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhiều cầu đã được xây dựng rất lâu không đảm bảo được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Vì vậy, những công trình xây dựng cầu mới được đầu tư thời gian qua đã góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng của nhiều địa phương. Do đó, hy vọng với những dự án do JICA tài trợ vốn sẽ góp phần cải thiện được đời sống nhân dân tại địa phương nơi có dự án được triển khai.
“Thời gian vừa qua việc thi công 23 cầu trên ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19 , tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải đã có những chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Về những dự án mới để cải thiện mạng lưới giao thông tại Việt Nam được biết hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị danh sách các dự án trong giai đoạn 2020-2025. Đây là thời điểm thích hợp để JICA tiến hành thảo luận, hợp tác với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải để có thể xem xét các dự án mà JICA có thể cho vay vốn trong thời gian tới,” ông Kota Murakami đánh giá.
Dự án TSL2 được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án 6 bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 1/2013 với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (tháng 12/2018) là 6.070 tỷ đồng.
Dự án sử dụng vốn vay ODA của JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và vốn đối ứng trong nước với mục tiêu xây dựng 98 cầu yếu trên 29 tuyến quốc lộ thuộc địa phận 31 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong 98 cầu thuộc phạm vi dự án, 75 cầu đã được Ban quản lý dự án 6 hoàn thành quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2017.
Còn lại, 23 cầu mới được bổ sung vào dự án từ cuối năm 2018, bắt đầu khởi công từ cuối quý 4/2019, đến nay đã hoàn thành chỉ trong 8 tháng thi công./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()